Google từ lâu đã được các nhà đầu tư khuyên nên mua
lại một công ty điện thoại và Motorola Mobility là một lựa chọn hợp lý.
Tuy nhiên, thương vụ này vẫn được coi là một "cú sốc" trong giới công
nghệ bởi nó đặt ra quá nhiều câu hỏi lớn về việc Google sẽ làm gì để
thoát khỏi mớ bùng nhùng "bản quyền - đối thủ - đối tác".
Cuộc chiến bản quyền
Motorola được coi là "ông tổ ngành di động" nên động
thái của Google trước tiên được nhìn nhận như là biện pháp mạnh mẽ để họ
tự tin hơn trong cuộc chiến bản quyền. Dù có tầm ảnh hưởng lớn trong
nhiều lĩnh vực, Google luôn bị coi là kẻ đến muộn với số vốn liếng vỏn
vẹn chưa đầy 1.000 mẫu sáng chế. Trong khi đó, các đối thủ Apple, Nokia,
Microsoft... lại nắm trong tay hàng chục nghìn tấm bằng và thường xuyên
đem ra làm vũ khí "hăm dọa" đối tác của Google, đẩy họ vào thế bất lợi
nhằm đòi chi phí bản quyền và gây ảnh hưởng lớn đến việc ra mắt sản phẩm
Android tại một số thị trường.
|
Lượng bằng sáng chế khổng lồ của Motorola là tấm khiên chắc chắn giúp Google tự bảo vệ mình và chống lại đối thủ. Ảnh: LaptopMag. |
Google từng tham vọng sở hữu 6.000 mẫu sáng chế của
Nortel nhưng bị Apple và Microsoft liên minh lại với nhau để nẫng tay
trên. Cú ngã đó càng khiến hãng tìm kiếm trực tuyến quyết tâm hơn trong
việc thâu tóm càng nhiều bằng càng tốt. Hiện họ đã có tới 17.000 bằng
sáng chế của Motorola để đường hoàng đem ra trao đổi "đôi bên cùng có
lợi" với đối thủ trong tương lai. Đây có lẽ là lý do vì sao Chủ tịch
Eric Schmidt của Google từng quả quyết HTC sẽ không thua trước sự hung
hãn của Apple.
"Chúng tôi vui mừng trước thông tin về thương vụ
Google - Motorola bởi nó cho thấy cam kết sâu sắc của Google trong việc
bảo vệ Android, bảo vệ đối tác và hệ sinh thái của họ", Peter Chou, CEO
của HTC, khẳng định.
Hướng đi mới của Google
Nói về chiến lược tiếp theo của Google, cần nhắc đến
hai hướng đi của Apple và Microsoft hiện nay. Apple xây dựng hẳn một chu
trình khép kín từ thiết kế cho tới phần mềm, phần cứng nhằm cho ra đời
những sản phẩm đột phá, khác biệt, được đánh giá cao và đem lại lợi
nhuận khổng lồ nhưng lại không có được thị phần lớn nhất. Ngược lại,
Microsoft chỉ tập trung cung cấp phần mềm cho hàng loạt công ty phần
cứng trên toàn thế giới mà không phát triển điện thoại, máy tính bởi họ
không muốn "giẫm chân lên chính đối tác của mình". Với triết lý "ba cây
chụm lại nên hòn núi cao", Microsoft thống lĩnh mảng hệ điều hành máy
tính còn Google cũng đi đầu trong nền tảng di động. Apple có đạt doanh
số lớn thì chỉ một dòng iPhone... cũng không đủ theo kịp sản lượng của
các dòng Android đến từ HTC, Samsung, LG... cộng lại.
Tuy nhiên, việc mua lại Motorola đã trở thành bước
ngoặt lớn của Google. Tiếp theo, họ sẽ sản xuất điện thoại riêng như
Apple hay tập trung phát triển Android như Microsoft?
"Google chỉ nhấn mạnh về bản quyền khi trao đổi với
giới truyền thông. Nhưng bỏ ra số tiền lớn như vậy, hẳn họ cũng muốn cho
ra đời một smartphone riêng như là Google Droid, Nexii... nào đó", Matt
Brian của trang TheNextWeb dự đoán.
Còn Kevin Restivo, chuyên gia phân tích của IDC, nhận
định: "Tôi không nghĩ bạn sẽ thấy mô hình như Apple từ Google. Họ sẽ
không tung ra những chiếc điện thoại đình đám dựa trên phần cứng
Motorola. Vì thế tôi cũng không cho là các đối tác phần cứng sẽ quay
lưng lại với Android".
Đồng tình với quan điểm này, trang công nghệ Wired
còn nhắc đến "thảm cảnh" của Microsoft khi mua lại công ty sản xuất
Sidekick là Danger. Kết quả là điện thoại Kin ra đời nhưng đã chết yểu
chỉ sau vài tháng ra quân rầm rộ. Do đó, ý định của Google là nhằm tăng
cường sức mạnh cho hệ sinh thái hiện tại hơn là mở ra một hệ sinh thái
mới giống Apple.
|
Google sẽ phải rất khôn khéo để không làm mếch lòng đối tác. Ảnh: CSmonitor. |
Thái độ của đối tác Android
Google từng hợp tác với HTC cho ra đời Nexus One và
cùng với Samsung tung ra Nexus S, nhưng khả năng sẽ có "điện thoại mang
thương hiệu Google" thời gian tới sẽ đặt họ vào thế đối đầu với chính
các công ty châu Á.
Để trấn an dư luận, Google tạo hẳn một trang web đăng
phát biểu của các bên, tất cả từ HTC, Samsung cho đến Sony Ericsson...
đều hào hứng và đưa ra những lời hoa mỹ về động thái của Google. Trong
khi đó giới quan sát lại như "nghe tiếng nghiến răng đằng sau những nụ cười xã giao".
"Dù Google khẳng định Android vẫn là nền tảng mở, các
nhà sản xuất có lẽ đang tiêu hóa thông tin này theo một cách khác. Dễ
thấy Samsung và HTC sẽ cân nhắc và tìm đến đến các nền tảng thay thế,
đáng chú ý nhất là Windows Phone và biết đâu có thể lại là Meego hay
webOS. Dù nói gì đi nữa thì Google cũng sẽ lấy mất một phần miếng bánh
của họ", Matt Brian của TheNextWeb nhận xét.
|
HTC và Samsung chiếm thị phần lớn trong mảng Android, do đó mua lại Motorola là bước đi mạo hiểm của Google. Nguồn: Nielsen. |
Google sẽ cần biết cách thuyết phục đối tác "chung
sống hòa bình" với mình nếu không muốn họ quay lưng lại. Windows Phone
đang được đánh giá là nền tảng thú vị, tinh tế và sẽ chiếm lĩnh thị
trường vào năm 2015. Nếu HTC, Samsung cảm thấy không yên ổn khi làm việc
với Google, họ sẽ chuyển sang Windows Phone.
"Không có chuyện đối tác Android dứt áo ra đi, nhưng
chiến lược của họ sẽ thay đổi. Họ vẫn sản xuất thiết bị chạy nền tảng
của Google nhưng sẽ điều chỉnh lại để xuất xưởng nhiều điện thoại
Windows Phone 7 hơn nhằm ít phụ thuộc Android hơn", Restivo của IDC dự
đoán.
|