Xu hướng văn minh
Trong Tờ trình số 1168 (ngày 8.4) gửi UBND TP.Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đề xuất nghiên cứu “Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường”. Theo Sở Công thương, hiện chính quyền nhiều thành phố lớn trên thế giới đang tìm cách giảm lưu lượng ô tô, xe máy tham gia giao thông đô thị nhằm hạn chế ùn tắc, giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường. Trong khi đó, tại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung và nhiều nước đang phát triển lại có xu hướng chuyển đổi từ xe đạp sang xe máy hay ô tô.
|
Sự phát triển quá nhanh của ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm và góp phần tăng nhu cầu sử dụng xăng dầu.
|
Dẫn lại kinh nghiệm của những thành phố phát triển trên thế giới như Amsterdam (Hà Lan), London (Anh), theo Sở Công thương, Hà Nội cần học hỏi kinh nghiệm của những TP này. Cụ thể như Amsterdam nằm trong nhóm 10 TP sạch nhất thế giới cũng là nơi có tỷ lệ người dân đi xe đạp cao nhất thế giới. Chính quyền TP.London (Anh) cũng dự định chi tới 1,37 tỉ USD cho 24 km đường dành riêng cho xe đạp.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ (ĐH GTVT), đây là đề xuất đúng đắn và hợp lý. “Việt Nam thời điểm những năm trước Đổi mới 1986 tràn ngập xe đạp như phương tiện giao thông chủ yếu, có rất ít xe máy và ô tô. Thập niên 1980 ở các nước phát triển cũng đã có ý định sử dụng xe đạp với lý do bảo vệ môi trường. Nhiều báo cáo gần đây cho thấy không chỉ các nước phát triển, mà nhiều nước đang phát triển cũng muốn chuyển sang xe đạp, vì mấy cái lợi lớn: bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe, giảm một phần tai nạn giao thông”, ông Toản nói.
Trên thực tế, thời gian gần đây, một bộ phận nhân viên văn phòng tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, đang có xu hướng bỏ xe máy, trở lại với xe đạp vì nhiều tiện ích mà phương tiện này mang lại. Trên các diễn đàn lớn đều có những hội yêu xe đạp với các quy mô khác nhau. Mới đây nhất, chiến dịch “Bạn đạp xe giúp Hà Nội” cũng đã được khởi động từ 10.4 kéo dài đến hết tháng 6.
Cần có làn đường riêng
|
Tuy nhiên, để việc đi xe đạp không chỉ dừng lại ở phong trào hay một thứ “mốt thời thượng” mà giúp xe đạp quay lại như một trong những phương tiện giao thông chủ yếu và hiệu quả lại không đơn giản.
Anh Hùng (Q.Cầu Giấy), sở hữu một chiếc xe đạp dáng thể thao giá hơn 3 triệu đồng, cho biết anh đã đi làm bằng xe đạp được gần 1 tháng.
Thế nhưng, anh đang “nản” dần vì nhiều yếu tố không phù hợp. Điển hình như thiếu làn đường riêng nên nhiều khi hoảng hốt do xe máy đánh võng trước mặt, khoảng cách chỗ làm xa cũng như yếu tố thời tiết không phù hợp (nóng ẩm).
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Quang Toản nhận định: “Một bộ phận người làm việc tại văn phòng đã sẵn sàng đi xe đạp như hình thức rèn luyện thể thao, với khoảng cách di chuyển gần khoảng 3-5 km. Nhưng với những người công việc di chuyển nhiều, nhà ở xa chỗ làm thì xe đạp chưa thực sự thuận tiện. Việc đi xe đạp có ý nghĩa nhiều hơn về mặt môi trường, còn về giảm ùn tắc thì chưa thể khẳng định vì diện tích sử dụng lòng đường của xe đạp cũng xấp xỉ xe máy. Nhưng nếu đã xác định chính sách khuyến khích xe đạp, thì cần có những tính toán cụ thể về hạ tầng”.
Lý giải điều này, ông Toản cho rằng xe đạp là phương tiện tốc độ di chuyển chậm, thời gian di chuyển, trang bị an toàn không tốt nên cần được bảo vệ, cần có làn đường riêng. Kèm theo đó là bố trí các điểm đỗ, điểm nghỉ, điểm trông xe hợp lý. Cùng quan điểm, TS Khuất Việt Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), nhận xét hiện xe đạp vẫn đang được một bộ phận sinh viên, học sinh sử dụng chung với làn đường xe máy. “Muốn khuyến khích và ưu tiên phát triển xe đạp thì nên làm làn đường riêng cho xe đạp, hoặc con đường nào vỉa hè rộng thì thiết kế một phần riêng cho xe đạp”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Toản cũng nêu ra một khó khăn là: “Tạo làn đường riêng cho xe đạp được là rất tốt, nhưng trong bối cảnh lòng đường Hà Nội hẹp như hiện nay thì điều này tương đối khó”.900 triệu đồng xây dựng đề án Đề án Sản xuất và tiêu dùng xe đạp theo dự kiến của Sở Công thương dự kiến kéo dài trong 24 tháng, nguồn kinh phí 900 triệu đồng từ Quỹ xúc tiến thương mại TP. Với các nhiệm vụ chính là xây dựng các chuyên đề về đánh giá nhu cầu sử dụng xe đạp trong giao thông đô thị Hà Nội, khảo sát số liệu, đề xuất hướng phát triển trong sản xuất xe đạp nội địa, khảo sát thị trường các nước châu Á, châu Âu... Được biết, tờ trình đang được UBND TP.Hà Nội xem xét.
Theo tờ trình, nếu được TP chấp thuận về chủ trương, Sở Công thương sẽ phải phối hợp với các ngành liên quan như Sở GTVT, Sở Xây dựng... xây dựng phương án chi tiết, về hạ tầng đường, quản lý, quy hoạch giao thông, cơ chế khuyến khích riêng cho xe đạp như xây dựng làn đường riêng... Theo TS Khuất Việt Hùng, ý tưởng đề xuất trên mới chỉ dừng lại ở nhìn nhận xe đạp giống như một sản phẩm công nghiệp được sử dụng cho mục đích đời sống của người dân, khuyến khích sản xuất và tiêu thụ... “Nếu được thông qua về chủ trương, sẽ cần thêm nhiều phương án chi tiết về phía ngành GTVT như xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông phù hợp”, ông Hùng nói. Một chuyên gia khác nhìn nhận, đứng ở góc độ giao thông, đây là đề xuất hợp lý, cần tính toán kỹ, nhưng đứng ở góc độ sản xuất, đây có thể là động thái của ngành công thương để giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất xe đạp trong nước. |