TS Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Công ty
Cổ phần Công nghệ Thông tin – Viễn thông – Tự động hóa Dầu khí (PAIC,
tên cũ là PV Tech) đã trao đổi với báo chí về vấn đề này. Góp phần giải bài toán năng lượng PV: Được
biết PAIC sắp cho ra đời công nghệ pin năng lượng mặt trời màng mỏng,
ông có thể cho biết về ý tưởng nghiên cứu của sản phẩm này? TS Nguyễn Việt Hùng:
Hiện, trên thế giới có rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo, nhưng cho
tới nay, năng lượng mặt trời được coi là nguồn năng lượng chủ lực trong
tương lai. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này thì điện do năng lượng mặt
trời trên thế giới trong những năm qua đã có những thay đổi rất nhanh về
công nghệ, trong đó, công nghệ pin mặt trời truyền thống sẽ dần được
thay thế bằng công nghệ pin mặt trời màng mỏng khiến giá thành rẻ hơn. Chúng
tôi xác định rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu phát minh công
nghệ nguồn áp dụng vào sản xuất công nghiệp, để nâng cao hàm lượng giá
trị gia tăng trong sản phẩm, hơn nữa, tiến tới góp phần giải bài toán
thiếu năng lượng và giá điện. Với một tập đoàn kinh tế kỹ thuật mạnh như
PVN thì việc phát minh, sở hữu công nghệ nguồn và kinh doanh hiệu quả
dựa vào công nghệ nguồn (cụ thể ở đây công nghệ nguồn sản xuất pin năng
lượng mặt trời) là chuyện không quá khó khăn. Theo
tôi, đây là một việc làm đúng đắn, nên làm và có thể làm được. Do đó,
PAIC đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam cho phép tiến hành thực hiện giai đoạn một của dự án nghiên
cứu, sản xuất thử nghiệm pin mặt trời màng mỏng bằng phương pháp hóa hơi
trong điều kiện áp suất khí quyển (công nghệ APP-CVD), với mức kinh phí
đầu tư gần một triệu USD, thực hiện trong thời gian 13 tháng. PV: Ông
có thể cho biết, khi nào thì sản phẩm này được đưa ra ứng dụng ngoài
thị trường, giá thành của sản phẩm có cao hơn so với các loại năng lượng
mặt trời khác và hiệu quả sẽ như thế nào? TS Nguyễn Việt Hùng:
Theo dự kiến, khoảng một tháng nữa chúng tôi sẽ kết thúc giai đoạn một.
Kết quả nghiên cứu, sản xuất hiện thời trong giai đoạn một của Dự án
APP-CVD đã khẳng định, công nghệ sản xuất pin mặt trời màng mỏng tại áp
suất khí quyển có tốc độc nhanh hơn vài lần so với công nghệ tạo màng
mỏng tại chân không. Hơn nữa, trang thiết bị của công nghệ này gọn, ít
công đoạn, chi phí thấp hơn so với trang thiết bị của công nghệ tạo màng
mỏng tại môi trường chân không. Những yếu tố này có ý nghĩa quyết định
trong việc giảm suất đầu tư và giảm giá thành sản xuất pin mặt trời, do
việc tăng năng suất của dây chuyền sản xuất, đồng thời giảm chi phí sản
xuất. Công nghệ mới này giúp hạ giá
thành sản xuất một đơn vị công suất xuống tới mức cạnh tranh được với
các dạng năng lượng không tái tạo khác. Hệ quả là giảm suất đầu tư cho
dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời đến mức cạnh tranh được với nhiệt
điện và thủy điện. Điều này cho phép giá điện từ năng lượng mặt trời
giảm xuống mức giá điện do năng lượng hóa thạch tạo ra. Một điểm nữa là
công nghệ mới này sẽ sử dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có ở Việt Nam là
cát, rất phong phú, dồi dào, rẻ tiền, không độc hại và thân thiện với
môi trường. Thông thường có ba bước từ nghiên cứu phát triển công nghệ
đến sản xuất đại trà. Đó là: giai đoạn nghiên cứu phát triển và sản xuất
thử nghiệm (pilot production); giai đoạn tiền sản xuất công nghiệp (pre
production) và giai đoạn sản xuất công nghiệp (mass production). Khi
giai đoạn một thành công, nếu được quan tâm đầu tư thì khoảng hơn một
năm đến hai năm nữa chúng ta sẽ có sản phẩm thương phẩm được sản xuất
đại trà ở quy mô công nghiệp. Sẽ cạnh tranh được với những sản phẩm hàng đầu thế giới PV: Vậy sản phẩm này được lắp đặt ở vùng, miền có thời tiết như thế nào thì hợp lý, thưa ông? TS Nguyễn Việt Hùng:
Sản phẩm này sẽ được áp dụng cho rất nhiều thị trường như: thị trường
điện hòa lưới, thị trường điện vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và
các tòa nhà thông minh. Công nghệ màng mỏng cho phép có thể phát điện
được ngay cả những vùng xa xích đạo có cường độ ánh sáng yếu. Với vị trí
địa lý như nước ta có nhiều ngày nắng quanh năm (nhất là miền Trung hay
miền Nam) thì hiệu suất rất cao. Ngoài ra, các tấm pin màng mỏng có thể
được trang bị trên các phương tiện như: ôtô, tàu điện… Những tấm pin
màng mỏng có thể còn được dán trên các tấm kính của tòa nhà, vừa thu
được ánh sáng mặt trời phát sinh ra điện, vừa ngăn được các tia cực tím
có hại cho người làm việc, sinh sống trong tòa nhà. Có thể nói, pin màng
mỏng có rất nhiều ứng dụng và có thị trường đa dạng. PV: Để
khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đem lại hiệu quả
kinh tế chung, Nhà nước đã ban hành một số quy chế về phát triển nghiên
cứu KHCN, trong đó có năng lượng mặt trời. Vậy, để phát triển hơn nữa
và nội địa hóa trong nước, ông có kiến nghị gì? TS Nguyễn Việt Hùng:
Đây là một chương trình rất lớn. Để phát triển công nghệ nguồn và kinh
doanh hiệu quả công nghệ nguồn trong nước, cũng như xuất khẩu, phải có
sự chung tay ủng hộ của các cấp qua các cơ chế, chính sách về giá điện,
về ưu đãi đầu tư và cho vay vốn với lãi suất hợp lý. Từ đó, chúng ta có
thể phát triển và cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Chẳng hạn
như chính phủ các nước Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản… có rất
nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tấm pin mặt trời nói
riêng và năng lượng tái tạo nói chung. Chính phủ Việt Nam ta cũng mới
bắt đầu có những chương trình hỗ trợ phát triển các dạng năng lượng tái
tạo. Vì thế, tại thời điểm hiện tại, đây là một việc làm rất rủi ro. Tuy
nhiên, với sự quyết tâm cao, tôi tin tưởng sẽ làm được. Một
điểm nữa là cần tận dụng nguồn chất xám của người Việt cả trong nước và
nước ngoài. Đến nay, chúng tôi đã tập hợp được nhóm chuyên gia, có
trình độ khoa học kỹ thuật tương đối so với thế giới để nghiên cứu. Theo
hướng này, tôi tin tưởng sản phẩm của PAIC sẽ cạnh tranh được với các
sản phẩm hàng đầu thế giới, bởi hai lẽ, thứ nhất: công nghệ của ta là
công nghệ mới, tiết kiệm nhiên liệu/nguyên liệu, chi phí sản xuất rẻ hơn
so với công nghệ các nước khác đang áp dụng. Thứ hai: việc nắm công
nghệ nguồn sẽ có lợi thế rất lớn, đó là chúng ta chủ động về công nghệ
và giá thành, nên lợi nhuận thu được sẽ cao hơn so với việc nhập công
nghệ của nước ngoài. Hãy tưởng tượng
một nhà máy nhiệt điện, nếu chúng ta nhập tất cả các thiết bị của nước
ngoài, thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế, giám sát, trong khi đó, giá
điện lại không được cao so với mặt bằng thế giới, vậy, giá trị gia tăng ở
đây theo tôi nghĩ là rất ít. Do đó, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng
hộ của các cấp lãnh đạo, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công
nghệ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để chúng tôi nhanh chóng đưa vào sản
xuất đại trà, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài thị
trường điện hòa lưới, thì sản phẩm này còn đảm bảo cung cấp năng lượng
điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo phục vụ cho công tác
an ninh quốc phòng, kinh tế biển, cũng như chiến lược biển của Việt Nam,
vì điện do công nghệ này tạo ra, việc triển khai rất đơn giản, nhẹ và
rẻ tiền. PV: Cảm ơn ông về những thông tin bổ ích này. |