Để việc tặng quà thầy cô 20-11 tế nhị?
Để giúp cho việc tặng quà “vật chất” cho thầy cô nhân dịp ngày nhà giáo
trở nên kín đáo, tế nhị, thầy cô bớt ngại ngùng khi nhận quà trước cổng
trường, sân trường, cửa lớp, nhà riêng… Cũng như giúp cho phụ huynh bớt
thời gian xếp hàng, chờ đợi, rình rập, săn đón, điều tra quy luật giờ
đi, giờ về của thầy cô… Hội phụ huynh trường phổ thông H. ở thành phố nọ
đã có sáng kiến mở giúp thầy cô một tài khoản rỗng tại ngân hàng, khi
đến dịp lễ tết, 20-11… cha mẹ học sinh xin số tài khoản của các thầy cô
cụ thể từ hội phụ huynh, thao tác trên máy ATM và… ấn phím “Enter”. Thậm
chí phụ huynh nào muốn thêm lời chúc, lời chú thích nào cũng rất dễ
dàng thuận tiện nếu dùng qua mạng máy tính. Tin nhắn nội dung sẽ nhanh
chóng được chuyển đến điện thoại di động của thầy cô.
Còn món quà “tinh thần”, phụ huynh vẫn thực hiện theo phương pháp giao
tiếp truyền thống. Việc này ở một khía cạnh nào đó đã làm hình ảnh các
thầy cô trong mắt học sinh trở nên đẹp đẽ hơn, bởi các em không phải
chứng kiến trực tiếp cảnh cha mẹ chúng “quà cáp” cho những người dạy
mình. Phương pháp này có lẽ cần được nhân rộng?
*
* *
Có nên tặng hoa cho thầy cô 20-11?
Trước tình trạng ở nhiều trường vẫn còn tồn tại các phong trào tặng hoa
cho thầy cô nhân dịp 20-11 làm khó xử cho đội ngũ giáo viên, thử làm
phép tính đơn giản, một lớp trung bình 40 em học sinh, thầy cô sẽ được
tặng 40 bó hoa, không đem về thì có lỗi với các em học sinh, chọn hoa
đẹp đem về thì phân biệt đối xử, đem về hết thì phải thuê taxi, mà có
đem về được hết thì ở nhà lại không có xô chậu để dùng, bởi nhiều hoa
như vậy chỉ còn nước đem cắm vào xô chậu mới hết. Vài hôm lại phải vứt
rác, thêm nữa việc ngắm hoa đâu có no; nhiều giáo viên đã trần tình như
vậy. “Thú thật nhiều lần em còn phải ra đứng đường… bán hoa những ngày
ấy” – Một nữ giáo viên trẻ tâm sự nửa đùa nửa thật – “Để ở nhà thì phí,
cho tặng không phải lúc nào cũng tìm được người, thôi thì bán lại cho đỡ
phí, hoa cũng đâu có rẻ!”. Việc tặng hoa một cách lãng phí thế này có
lẽ nên phải tính lại, nên chăng chỉ để đại diện hội phụ huynh tặng mỗi
thầy cô một vài bó hoa là đủ.
*
* *
Cô chủ nhiệm cuộc đời
Đã thành thông lệ, những ngày giáp 20-11 người ta lại thấy trước cổng
trường Sư Phạm dập dìu tài tử giai nhân, người người náo nức đến tặng
hoa cho các nữ sinh Sư Phạm, thậm chí nữ sinh năm thứ nhất. Câu hỏi đặt
ra: Tại sao những nữ sinh này đã đi dạy ngày nào đâu mà 20-11 lại được
tặng hoa? Đem câu hỏi này chất vấn một số chàng trai đến tặng hoa, 24H
Tivi nhận được câu trả lời vô cùng đơn giản và rất thực tế: “Tuy các
nàng ấy chưa dạy ngày nào nhưng khi cưới về thì tụi em sẽ được các nàng
dạy dỗ cho nên người suốt quãng đời còn lại. Nên từ bây giờ tụi em phải
tập làm quen với “cô giáo chủ nhiệm” đi là vừa”.
Ngẫm mà buồn cho các nam sinh sư phạm, họ cũng là thầy giáo tương lai đấy chứ!
*
* *
Giáo viên hư?
Nhiều người nước ngoài học tiếng Việt không tài nào hiểu nổi tại sao
trong dịp 20-11 trong ngôn ngữ giao tiếp lại thường có những câu “giáo
viên mất dạy”. Trong tư duy của họ cụm từ “mất dạy” được hiểu là “thiếu
giáo dục”, “những người hư hỏng, chơi bời lêu lổng”. “Giáo viên mất dạy”
sẽ được hiểu là “giáo viên mất tư cách”. Trên thực tế đây chỉ là một
câu đùa mang tính chơi chữ của các thầy cô giáo, xuất phát từ việc trong
những ngày lễ, giáo viên được nghỉ, tức là họ không phải dạy (dạy học)
hay còn gọi một cách dân dã là “mất dạy”. Với những câu tiếng “lóng” này
thì chắc phải Tây tầm cỡ chú Joe (Dâu tây) mới hiểu.
*
* *
Viết thêm:
Theo phàn nàn của những người kinh doanh hoa, càng ngày việc tiêu thụ
hoa trong ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 càng ít. “Bây giờ phụ huynh rất
thực dụng, họ toàn tặng quà và kẹp phong bì trong đó thôi, mua hoa ít
lắm” – Một người bán hoa cho hay. Tin này đã làm chạnh lòng không ít
thầy cô ở các địa phương còn nghèo khó. Nhiều nơi ở vùng cao, hải đảo xa
xôi, thầy cô còn phải đến vận động các em đi học, nên việc phụ huynh
quan tâm đến thầy cô về vật chất, tinh thần cũng không được mang tính
“phong trào rầm rộ” như ở các thành phố lớn.
Theo khảo sát chưa đầy đủ, tại một số thành phố lớn như HN, Tp HCM… điều
kiện kinh tế của thầy cô giáo cũng không đến nỗi tệ, thậm chí nhiều
thầy cô còn có thể nói là giầu có. Trong đợt 20-11, nhiều phụ huynh tặng
quà, năn nỉ gẫy lưỡi thầy cô mới chịu nhận cho. Câu nói mà các bậc phụ
huynh khi tặng quà cho các thầy cô thường nghe được là: “Rất cảm ơn phụ
huynh, các anh chị cứ bày vẽ. Con học tốt đã là món quà ý nghĩa nhất cho
giáo viên chúng tôi rồi!”. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là các
giáo viên nghèo thì sẽ dễ dàng nhận quà của phụ huynh học sinh. Giáo
viên có nguồn gốc là nhà nho, nên ít nhiều vẫn giữ được sự thanh cao của
mình cho dù xã hội có biến đổi theo hướng không tích cực.
Vừa qua có dư luận “Quà tặng 20-11 đủ để giáo viên mua xe Vespa”. Theo
điều tra của 24H Tivi đây có lẽ là những người muốn “đếm tiền trong túi
giáo viên”. Chủ quan mà nói, nếu quả thực ngày 20-11 giáo viên nhận được
những món quà có giá trị vật chất để mua được xe Vespa thì may ra cũng
chỉ là Vespa cũ mà thôi. Xã hội hiện nay ai cũng biết lương giáo viên
rất thấp, vì vậy nếu các bậc phụ huynh có quan tâm hơn đến thầy cô về
vật chất cũng như tinh thần thì đó cũng là một điều rất đáng mừng, phù
hợp với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Có điều không nên
để giá trị vật chất quá lớn át đi giá trị tinh thần trong cái ngày
thiêng liêng này. |