Các em nhỏ Ấn Độ xếp các cây nến tạo thành số 2014.
Hàng tấn pháo hoa sẽ thắp sáng bầu trời thành phố lớn nhất nước Úc. Pháo hoa sẽ được bắn từ nhà hát Opera lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua trong khuôn khổ các hoạt động mừng năm mới tốn kém vào đêm nay, với điểm nhấn là cầu Harbour.
Thị trưởng Sydney Clover Moore cho hay màn bắn pháo hoa, tiêu tốn khoảng 5,4 triệu USD, dự kiến sẽ thu hút khoảng 1,6 triệu người xem.
“Chúng tôi đã sẵn sàng tổ chức tiệc đón năm mới hoành tráng nhất thế giới trên bến cảng đẹp nhất hành tinh”, bà Moore phát biểu trước báo giới.
3 màn trình diễn pháo hoa kỷ lục sẽ diễn ra trong thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới và Thị trưởng Moore hứa hẹn rằng sự kiện này sẽ “lớn chưa từng có”.
Dubai đang hi vọng phá vỡ kỷ lục Guinness thế giới cho màn trình diễn pháo hoa lớn nhất với hơn 400.000 quả pháo hoa. Kuwait đã lập kỷ lục vào năm 2011 với 77.282 quả pháo hoa trong 1 giờ bắn liên tục.
Trước Dubai, các thành phố trên khắp châu Á sẽ đón năm mới đầu tiên và Hồng Kông dự kiến sẽ tổ chức màn đếm ngược lớn chưa từng có. Pháo hoa sẽ được bắn từ các tòa nhà chọc trời và dọc bến cảng Victoria trong một màn trình diễn thúc đẩy du lịch.
Tại Nhật Bản, người dân đang bận rộn đi mua sắm cua, cá ngừ và các đồ ăn ngon khác để mừng năm mới 2014.
Các cửa hàng mỳ tại Nhật dự kiến sẽ thu lợi lớn trong dịp này. Ăn mì vào đêm giao thừa được coi là để hy vọng nhiều sức khỏe và sống thọ. Hàng triệu người dự kiến sẽ tới đổ tới các ngôi chùa kể từ tối ngày 31/12 cho tới sáng ngày 1/1 trong một nghi thức truyền thống ngày đầu năm để cầu nguyện an lành cho người thân.
Số 2014 được thắp sáng gần tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp.
Tuy nhiên, tại các khu vực bị tàn phá bởi bão Haiyan tại Philippines, các hoạt động đón năm mới khá im ắng.
Tại thành phố Tacloban, nơi bị san phẳng bởi trận cuồng phong hôm 8/11, giới chức dự kiến chuẩn bị một bữa tiệc vào pháo hoa vào đêm giao thừa để cố gắng động viên tinh thần người dân dù gần 8.000 người đã thiệt mạng hay mất tích. Các tổ chức cứu trợ cũng tổ chức các buổi ca nhạc miễn phí hoặc phân phát thực phẩm cho bữa tối trước đêm giao thừa.
Tại ngôi làng nhỏ San Isidro, người dân vẫn đang vật lộn với mùi hôi thối nồng nặc khi 1.400 thi thể các nạn nhân được đặt trong các túi đựng thi thể màu đen vẫn nằm trên một cánh đồng, hơn 7 tuần sau thảm họa.
Trong khi đó, thủ đô Seoul của Hàn Quốc sẽ đón năm mới 2014 với nghi lễ truyền thống gióng 33 tiếng chuông từ quả chuông Bosingak từ thế kỷ 15.
Tại Singapore, người dân sẽ đổ tới quận tài chính để chiêm ngưỡng pháo hoa, trong khi hàng nghìn người quả cầu màu trắng sẽ được thả trên Vịnh Marina, mang theo những điều ước của mọi người cho năm mới 2014.
Còn thủ đô Jakarta của Indonesia đã dựng 12 sân khấu trung tâm phục vụ các màn trình diễn nhằm chứng tỏ nền văn hóa đa dạng của quần đảo rộng lớn này.
Tuy nhiên, 6.500 cảnh sát sẽ được huy động để đảm bảo an ninh trong bối cảnh có các cảnh báo rằng các phần tử cực đoan tại quốc gia với đa số dân là người Hồi giáo có thể tấn công vào các hoạt động mừng năm mới, khiến các nước phải phát các cảnh báo đi lại đối với Indonesia, trong đó có Úc.
Tonga, nằm gần đường múi giờ quốc tế, là một trong những quốc gia đầu tiên đón năm mới. Quốc gia Thái Bình Dương dự kiến sẽ tổ chức một buổi lễ cầu nguyện kết thúc với màn bắn pháo hoa bằng “đại bác tre”.
Tại Rio de Janeiro (Brazil), giới chức dự đoán khoảng 2,3 triệu người - 1/3 là khách du lịch - sẽ tập trung tại bãi biển Copacabana để xem bắn pháo hoa và thưởng thức âm nhạc.
Khoảng 1 triệu người dự kiến sẽ đón năm mới tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ.
Các màn trình diễn pháo hoa hoành tráng cũng sẽ thắp sáng Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mátxcơva của Nga, Cổng Brandenburg tại Berlin, Đức và trung tâm thủ đô London khi đồng hồ Big Ben đổ chuông lúc nửa đêm.
Trong khi đó tại Mỹ, ước tính khoảng 1 triệu người sẽ tập trung tại quảng trường New York và tham dự lễ thả quả cầu pha lê truyền thống trên Quảng trường Thời đại.
Thành phố Cape của Nam Phi sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc miễn phí với các màn bắn pháo hoa và chiếu ảnh 3D tưởng nhớ cựu Tổng thống Nelson Mandela, người qua đời hôm 5/12.
Các bức ảnh về cuộc đời người hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ được chiếu tại Tòa thị chính thành phố, nơi ông Mandela có bài phát biểu đầu tiên sau khi được phóng thích vào năm 1990 sau 27 năm ngồi tù.