Trước đó, từ ngày 10-3, đàn vịt 2.000 con này của ông Can bắt đầu chết rác rải. Từ ngày hôm sau đến sáng ngày 15-3, đàn vịt của ông Can lăn ra chết sạch chỉ còn vài con. Nhận được tin báo của thú y cơ sở, UBND phường Trần Quang Diệu báo cáo với các ngành chức năng liên quan của TP. Quy Nhơn tiến hành tiêu hủy hết đàn. “Điều đáng nói là trước khi tiêu hủy, hộ ông Can đang nuôi 2 đàn vịt. Tuy nhiên đàn vịt đẻ 2.000 con ông cách ly nuôi riêng thì khỏe mạnh bình thường, nhưng đàn vị 2 tháng tuổi kia có khả năng bị ủ bệnh lâu ngày do con giống lúc mới ấp nở không được tiêm phòng đầy đủ, chủ hộ mua về nuôi thì bị bệnh và chết”, ông Liên nhận định.
Ngày 16-3, ông Nguyễn Văn Ánh – Trạm trưởng Trạm thú y TP. Quy Nhơn, cho biết: “Khi nhận được tin báo từ chính quyền địa phương, với sự hỗ trợ về xăng của UBND phường Trần Quang Diệu, Trạm Thú y thành phố phối hợp thực hiện tiêu hủy khẩn cấp đàn vịt bị bệnh chết; đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi theo quy định của Pháp lệnh Thú y. Bên cạnh đó, Trạm thú y TP. Quy Nhơn đã lấy vài mẫu dịch họng của đàn vịt bị bệnh chết gửi ra Cơ quan Thú y vùng 4 tại Đà Nẵng để xét nghiệm, xác định cụ thể về loại bệnh hay chủng vi – rút gì dẫn đến đàn vịt của ông Can bị bệnh chết. Còn việc có hay không thực hiện việc hỗ trợ thiệt hại cho chủ hộ chăn nuôi có gia cầm bị bệnh chết tiêu hủy, thì sau này chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh và UBND TP. Quy Nhơn xem xét, quyết định.”
Tiêm phòng vaccin cúm cho đàn vịt Trong hơn 3 năm nay, TP. Quy Nhơn không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nay lại xuất hiện đàn vịt 2.000 con bị bệnh chết là điều bất thường, tuy chưa xác định là đàn vịt chết có phải là vi-rút cúm gia cầm gây ra hay không. Trong cuộc họp chiều ngày 15-3 của Phòng Kinh tế TP. Quy Nhơn chủ trì về triển khai sản xuất vụ Hè Thu năm 2013, liên quan đến vấn đề phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian đến, bà Lê Thị Xuân Loan – Trưởng Phòng Kinh tế TP. Quy Nhơn, chỉ đạo cho Trạm Thú y thành phố liên hệ Chi cục Thú y tỉnh tiếp nhận vaccin cúm gia cầm để khẩn cấp triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm trên phạm vi toàn phường Trần Quang Diệu. Sau đó triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm tại các phường lân cận như Nhơn Bình, Nhơn Phú và Bùi Thị Xuân, nhằm ngăn ngừa dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan ra diện rộng.
“Cuối buổi chiều ngày 15-3, chúng tôi đã nhận về 10.000 liều vaccin dịch cúm gia cầm từ Chi cục Thú y. Do nguồn vaccin hạn chế nên sáng ngày 17-3, Trạm phối hợp với thú y cơ sở trước mắt triển khai tiêm phòng ngừa dịch cúm cho đàn gia cầm của phường Trần Quang Diệu. Sau đó nếu có vaccin thì chúng tôi triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm ở các phường lân cận, kiê quyết không để dịch cúm gia cầm phát sinh ra diện rộng.” – ông Nguyễn Văn Ánh – Trạm trưởng Trạm thú y TP. Quy Nhơn, nói.
Hiện nay, tại một số địa phương trong nước đã xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đàn vịt của ông Trần Chí Can ở phường Trần Quang Diệu đã có triệu chứng bệnh chết, đây là thông tin xấu mà các cấp, các ngành cần quan tâm chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào TP. Quy Nhơn nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung. Tăng cường kiểm tra hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; quản lý tốt việc chăn nuôi tái tạo đàn. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức chấp hành tốt về việc bắt nhốt gia cầm để tạo điều kiện thuận lợi cho Trạm Thú y TP. Quy Nhơn đến tiêm phòng vaccin dịch cúm gia cầm đầy đủ, đạt kết quả cao để khống chế, không để dịch có thể phát sinh.