Bản dự thảo cuối cùng của thỏa thuận chống tình trạng toàn cầu ấm dần lên đã được các nước nhất trí hôm 12-12 sau hơn 2 tuần đàm phán tập trung tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21). Sau đó, cùng ngày (giờ địa phương), các nước tiến hành bỏ phiếu thông qua dự thảo trên.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết văn kiện này là công bằng, có một phần nội dung mang tính ràng buộc pháp lý và nhằm ngăn trái đất không nóng thêm quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100. Tham vọng hơn, dự thảo kêu gọi các nước nỗ lực để mục tiêu này hạ xuống còn 1,5 độ C hoặc thấp hơn. Thỏa thuận kêu gọi đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải do con người tạo ra và khả năng trái đất hấp thụ chúng vào nửa cuối thế kỷ này.
Văn kiện cũng hướng đến việc cách mạng hóa hệ thống năng lượng của thế giới bằng cách cắt giảm hoặc loại bỏ than đá và các loại nhiên liệu hóa thạch khác, thay thế chúng bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Các quốc gia sẽ được yêu cầu xem xét lại các cam kết cắt giảm khí thải sau mỗi 5 năm. Ngoài ra, các nước phát triển được yêu cầu tiếp tục cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển để giúp họ thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Từ trái qua: Tổng thống Pháp Francois Hollande, Ngoại trưởng Laurent Fabius và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tại Hội nghị COP 21 hôm 12-12Ảnh: Reuters
Vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu nằm trong phần nội dung không mang tính ràng buộc pháp lý. Bản dự thảo thỏa thuận cho biết các nước phát triển có nghĩa vụ “huy động” 100 tỉ USD/năm để giúp các nước đang phát triển từ nay đến năm 2020 và mức hỗ trợ này được duy trì đến 2025. Tiếp đó, một mục tiêu mới sẽ được ấn định với mức hỗ trợ sàn là 100 tỉ USD.
Trước khi bản dự thảo trên được công bố, nhiều nhà quan sát cho rằng cản trở lớn trong việc đi đến một thỏa thuận cuối cùng vẫn là những vấn đề như sự đóng góp tài chính giữa các nước và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất. Các nước đang phát triển khẳng định các nước giàu phải gánh vác phần lớn trách nhiệm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu bởi họ phát thải hầu hết khí nhà kính kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Mỹ và các nước giàu lại cho rằng các nền kinh tế mới nổi cũng phải gánh trách nhiệm bởi các quốc gia này cũng phát thải nhiều khí nhà kính.
Ngoài ra, theo đài BBC, một vấn đề gây tranh cãi khác là các nước giàu muốn đưa vào thỏa thuận một hệ thống duy nhất về đo lường, báo cáo và kiểm tra cam kết của các nước. Điều này rất quan trọng với Mỹ, nước muốn bảo đảm Trung Quốc cũng được giám sát theo các tiêu chuẩn này. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ lại không hào hứng với đòi hỏi nói trên.
Cuộc họp ở Paris về biến đổi khí hậu được coi là cơ hội cuối cùng để thay đổi viễn cảnh tồi tệ nhất mà biến đổi khí hậu sẽ đem lại như hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt, bão tố tiếp tục gia tăng cũng như nhiều hòn đảo và các bờ biển đông dân cư sẽ biến mất dưới làn nước biển.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đề nghị các đại biểu phải làm cho 12-12-2015 thành “một ngày không chỉ mang tính lịch sử, mà còn là một ngày vì nhân loại”. Tổ chức Hòa bình xanh (Green Peace) cho rằng bản dự thảo là một cú đánh lớn vào nhiên liệu hóa thạch. |