Vào rạng sáng nay (15/12), cơn mưa sao băng lớn nhất năm đã diễn ra và có hàng loạt người yêu thiên văn lẫn nhiếp ảnh trên khắp thế giới đã không bỏ lỡ cơ hội ghi lại những bức ảnh đáng nhớ về sự kiện này.
Tại Việt Nam, mưa sao băng Geminid đạt cực điểm vào đêm 14, rạng 15/12 hàng năm ở hướng Đông
Có nhiều "cơn" mưa sao băng mỗi năm song chỉ có duy nhất một "cơn" được mệnh danh là "Vua của mưa sao băng" có tên Geminid. Cái tên này có nguồn gốc đến từ việc hướng chính của cơn mưa trùng với vị trí chòm sao Song Tử (Gemini) trên bầu trời. Theo NASA, đỉnh điểm của Geminid rơi vào đêm ngày 14/12 với tần suất tới 120 sao băng/giờ (tức 2 sao băng/phút).
Tuy gọi là "mưa" (shower) song mưa sao băng không hề ào ào như những cơn mưa thông thường. Từ "mưa" ở đây chỉ ám chỉ tại thời điểm đó, khả năng nhìn thấy sao băng sẽ cao hơn hẳn các thời điểm khác. Ngoài ra do sao băng xuất hiện trong thời gian rất ngắn (thiên thạch bị đốt cháy trong bầu khí quyển) nên việc quay phim hoặc chụp hình chúng đòi hỏi phải có những thiết bị chuyên dụng, có khả năng phơi sáng cực lâu. Gần như không thể chụp sao băng bằng máy ảnh.
Sau đây là loạt ảnh về cơn mưa sao băng đêm qua do những người yêu thiên văn trên toàn cầu ghi nhận được. Bộ ảnh do trang tin CNET tổng hợp:
Trên đỉnh Colorado (Mỹ) còn có tên "Cổng lên trời". Ảnh của Zach Becker.
Sao băng bên đèn biển Peggys Cove ở Nova Scotia (Canada). Ảnh của Len Wagg.
Ngôi sao đến sớm của Kelvin Palmer. Anh chụp được nó vào ngày 10/12. Một số người "may mắn" vẫn có thể quan sát được Geminid khi họ vô tình ngước lên trời trong những ngày này.
Rừng đêm Kongsvinger (Na Uy). Ảnh của Ole Bredesen-Vestby.
Tương tự Kelvin Palmer, Marc Charron chụp được bức ảnh này vào lúc hơn 10 giờ tối đêm qua trên bầu trời nước Anh.
Không chỉ dân nghiệp dư mới quan tâm đến mưa sao băng. Các chuyên gia của NASA thuộc Văn phòng Môi trường Thiên thạch cũng "hóng" sự kiện trên vào đêm qua. Ảnh chụp từ đài quan sát thiên văn Đa Kính đặt tại Tucson, Arizona (Mỹ).
Ở bên kia Trái Đất, một nhiếp ảnh gia người Nhật, Akira Nishibori, cho biết anh phát hiện được 30 - 40 sao băng vào đêm qua trên bầu trời Kyoto.
Còn gì tuyệt hơn được ngắm sao băng bên bãi biển? Anthony Quintano và những người bạn đã dựng lều bên bãi biển Hawaii để cùng đón Geminid. Anh chụp được tấm ảnh này bằng chiếc máy ảnh Canon EOS 5D Mark II.
Xoay cùng màn đêm. Một chiếc máy ảnh thực hiện chụp phơi sáng cực lâu ở Trung tâm Thử nghiệm Không gian Titov vùng viễn đông của Nga. Những vòng sáng trên bầu trời là hướng di chuyển của những ngôi sao (không phải sao băng) tạo ra.
Sao băng và nhánh cây. Ảnh do nhiếp ảnh gia người Nga, Vlad Stepanov, chụp lại.
Trên đây là loạt ảnh mưa sao băng Geminid của 2015. Mưa sao băng Geminid dự kiến sẽ xuất hiện hàng năm với đỉnh điểm vào 2 ngày 14 và 15/12. Tuy vậy trong 2016, đây sẽ là thời điểm của trăng tròn nên rất có thể cơn mưa của năm sau sẽ khó quan sát hơn so với cơn mưa năm nay.
Theo Diễn đàn Đầu tư |