Theo Thông tư 55/2013/TT-BGDĐT mới được Bộ GD&ĐT ban hành, khi dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông chính quy, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học, phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm. Quy định này đã khiến các học sinh lớp 12 lo lắng, quyết tâm thi đỗ ĐH và những sinh viên vừa tốt nghiệp cao đẳng cũng đang phải dồn sức để ôn thi. Nhiều bạn học sinh, sinh viên đang tập trung ôn luyện Học sinh trung bình cũng quyết phải đỗ ĐH Sau 12 năm dùi mài kinh sử, giành một tấm vé vào trường ĐH là ước mơ, là quyết tâm của hầu hết học sinh cuối cấp. Và đặc biệt, sau khi Bộ Giáo dục có quy định về đào tạo liên thông thì dường như quyết tâm này của các sĩ tử lại càng cao hơn bao giờ hết, ngay cả với những sĩ tử có sức học trung bình. Trước đây, tâm lý chung của các sĩ tử là nếu không có khả năng đậu được đại học, thì có thể học hệ cao đẳng, sau đó thi liên thông để tiếp tục chinh phục mục tiêu có được tấm bằng đại học. Thế nhưng với quy định mới về đào tạo liên thông, các thí sinh đều cảm thấy cánh cửa liên thông đại học dường như đã bị đóng hẹp lại, nên quyết tâm thi đỗ đại học của các thí sinh năm nay lại cao hơn bao giờ hết. Mạnh Quân (THPT Võ Nhai) cho biết: “Bây giờ vừa học xong, kiến thức còn “nóng” thì phải cố gắng để đỗ bằng được, 3 năm nữa kiến thức “rơi rụng” rồi mới quay lại ôn thi ĐH thì khả năng đỗ gần như không có!”. Cậu bạn này cũng quả quyết: “Năm nay không đỗ Đại học thì sang năm mình thi sẽ thi tiếp”. Cũng giống như Mạnh Quân, khá nhiều học sinh cuối cấp khác dù có lực học trung bình nhưng vẫn quyết tâm ôn luyện để có hi vọng giành cơ hội trường ĐH, chỉ vì các bạn đều không muốn học cao đẳng để rồi phải thi liên thông. Hoàng Oanh (THPT Vân Nội – Hà Nội) chia sẻ: “Mình đăng kí dự thi đại học và cao đẳng cùng ngành Sư Phạm, nhưng biết là với khả năng của mình thì rất khó để đỗ ĐH nên chỉ hi vọng vào thi Cao đẳng, sau đó học liên thông để lấy được tấm bằng Đại học mới tự tin xin việc. Định hướng là thế, tuy nhiên, mình nghe nói có quy định mới là sau khi tốt nghiệp CĐ, thí sinh phải thi 3 môn như khi thi ĐH, biết là lúc đó khả năng đỗ còn khó hơn nhiều lần so với bây giờ nên năm nay, mình vẫn phải cố gắng hết sức để thi đỗ được ĐH”. Thực tế trên đã khiến nhiều người nhận định, trong mùa thi ĐH năm nay, có thể số lượng hồ sơ đăng kí dự thi ĐH sẽ tăng vụt. Nhiều bạn dù học lực trung bình vẫn quyết tâm phải thi đậu ĐH Sinh viên cao đẳng dồn sức… ôn thi Trong kì thi tuyển sinh ĐH năm nay, lần đầu tiên có sự “góp mặt” của các thí sinh là sinh viên năm cuối, sinh viên đã tốt nghiệp của các trường cao đẳng. Để viết tiếp ước mơ có trong tay tấm bằng đại học, nhiều bạn đang dồn sức để ôn luyện, trong khi đó vẫn phải bận rộn chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp cận kề. Nỗi lo lớn nhất của những bạn sinh viên này là sau 3 năm học cao đẳng, những kiến thức trong chương trình học vơi đi rất nhiều, vì thế việc quay lại ôn những kiến thức này là vô cùng khó khăn, nhất là khi các bạn chỉ có thời gian ôn thi trong vòng vài tháng. Khả năng đỗ vì thế cũng trở nên quá mong manh. “Ngày trước vừa học xong lớp 12, mình thi ĐH mà còn trượt, bây giờ sau 3 năm học, kiến thức quên hết sạch thì đỗ sao nổi, nhưng mình vẫn cố gắng ôn luyện và dự thi, coi như tận dụng cơ hội để được học đại học” – Thu Hòa (CĐ Tài Chính) tâm sự. Hiện Hòa cùng một vài người bạn học CĐ của mình đang rủ nhau đăng kí ôn thi ĐH tại các lò luyện thi gần trường ĐH Sư Phạm, đồng thời mượn sách, tài liệu của các em học sinh lớp 12 để bắt đầu học thi. Tạm kết Không thể phủ nhận, tấm bằng ĐH là cần thiết và được vào học tại các trường ĐH là giấc mơ của nhiều bạn học sinh THPT cũng như những bạn sinh viên cao đẳng. Tuy nhiên, các bạn cần xác định rằng, ĐH không phải là cánh cửa duy nhất để bạn bước vào đời, cũng như tấm bằng ĐH không phải là chìa khóa mở ra thành công cho công việc của bạn. Hãy cứ nỗ lực học hết mình nhưng cũng đừng đặt quá nhiều áp lực ở kì thi này, kiến thức xã hội, kinh nghiệm làm việc và sự trải nghiệm trong cuộc sống mới là những yếu tố quan trọng hơn quyết định tương lai của bạn. |