Tổ chức diễn đàn góp ý Tại hội nghị quán triệt NQTW8 (khóa XI) về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đào tạo và tổng kết năm học 2012-2013 khối giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì, vấn đề “nóng” nhất sẽ là dự thảo tự chủ tuyển sinh 2014 mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra. Ngay khi Bộ công bố dự thảo này, nhiều trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng đã có vẻ “chùn chân” bởi quy định của dự thảo, các trường được tuyển sinh riêng nhưng kết quả thi riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường tổ chức thi tuyển theo cùng đề án; không được sử dụng kết quả của kỳ thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức để xét tuyển. Về phương án tuyển sinh riêng, lãnh đạo nhiều trường tán thành. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã nhận được 17 phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Các đề án các trường đưa ra đều với mục đích mong muốn được thực hiện ngay trong năm 2014. Tuy nhiên, hầu như các phương án này đều chưa được Bộ GD-ĐT chấp thuận bởi không đáp ứng được yêu cầu như Bộ mong muốn. Được biết, để bảo vệ ý kiến của mình, lãnh đạo nhiều trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án để trình Bộ GD-ĐT cho tuyển sinh ngay trong năm 2014. Đây là vấn đề rất nóng sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị. Chính vì lẽ đó, trước hội nghị, Bộ GD-ĐT đã tổ chức diễn đàn để các đơn vị, trường, học viện, các chuyên gia giáo dục… đóng góp ý kiến. Về phương án tuyển sinh riêng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, mỗi trường có mục tiêu đào tạo khác nhau, yêu cầu lãnh đạo nhà trường phải suy nghĩ tìm phương thức tuyển sinh phù hợp nhằm chọn được đúng người có kỹ năng, năng lực vào học các ngành nghề. Bộ GD-ĐT không phê duyệt Đề án tuyển sinh của các trường mà chỉ xác nhận Đề án đáp ứng các yêu cầu của quy định về tự chủ tuyển sinh hay không. Nếu Đề án chưa thỏa mãn yêu cầu thì trường chưa được tự chủ tuyển sinh”. Học sinh đang hồi hộp chờ đợi phương án tuyển sinh ĐH, CĐ 2014.
Nên có Đề án mẫu tuyển sinh… PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, dự thảo tự chủ tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra rất khoa học, bộ đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các tình huống xảy ra khi giao tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm và sự thận trọng vì đây là một chủ trương lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu con người. Theo ông Nam, tự chủ tuyển sinh là không mới đối với các nhà trường, vì trên thực tế các trường đã làm việc này trước khi Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi “3 chung”. Cái mới ở đây là các trường phải suy nghĩ cách thi, kiểu thi, môn thi… thế nào để có thể tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp vào các ngành nghề đào tạo để đạt mục tiêu mà Nghị quyết TW8 đã đề ra. Nếu vẫn thi theo kiểu kiểm tra kiến thức các môn học phổ thông theo các khối thi thì tốt nhất duy trì phương thức thi “3 chung”, không cần thay đổi gì. Được biết, tuyển sinh năm 2014, ĐH Đà Nẵng tiếp tục tuyển sinh theo phương án “3 chung”. Đối với phía trường ĐH ngoài công lập, PGS. TS Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Phương Đông cho rằng: “Bộ GD-ĐT cũng đã rất cầu thị, mở ra nhiều con đường cho các trường lựa chọn. Tuy nhiên, trường tuyển sinh riêng không được phép sử dụng kết quả “3 chung”. Bởi với những trường còn khó khăn, nếu không tuyển đủ chỉ tiêu, họ sẽ không biết phải lấy thêm nguồn tuyển ở đâu. Theo ông Dụ, Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn cụ thể và có Đề án mẫu hoặc có thể công bố một Đề án mà Bộ cho rằng đạt yêu cầu để định hướng các trường. Bên cạnh đó, nên có một lộ trình nhanh hơn nữa, không nhất thiết phải là 3 năm. Về phương án tuyển sinh năm 2014, theo lãnh đạo trường ĐH Phương Đông, phương án tối ưu nhất với trường hiện tại là vẫn xét tuyển theo 3 chung, thậm chí không tổ chức thi nữa. |