1. Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Ngày 4-11-2013, Tổng bí thư nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được thôgn qua tại Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành T.Ư (Khoá XI). Nghị quyết đã chỉ rõ những năm qua, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu; Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém… Vì vậy, Nghị quyết đã đưa ra định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu: tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục,đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương pháp giáo dụ hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập…
2. Kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên là GS, PGS, TS
Thực hiện quy định của Luật giáo dục ĐH, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 141/3013/ NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục ĐH. Nghị định quy định giảng viên được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuỏi nghỉ hưu với GS không quá 10 năm, PGS không quá 7 năm và TS không quá 5 năm.
3. Hỗ trợ gạo học sinh vùng khó khăn
Từ tháng 9-2013 theo Quyết định số 36/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong đó, học sinh tiểu học và THCS học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… được hưởng hỗ trợ 15 kg gạo/1 tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh từ nguồn gạo dự trữ quốc gia. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-9-2013 tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh vùng khó khăn đi học chuyên cần, tránh tình trạng bỏ học, bảo đảm an sinh xã hội.
Lớp học ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Tà Si Láng, là một trong điểm trường ở vùng khó khăn nhất của huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Ảnh : Lê Hà.
4. Đổi mới tuyển sinh theo tình thần Nghị quyết TƯ 8 (Khoá XI) và Luật giáo dục ĐH
Bộ GD và ĐT công bố dự thảo quy định đổi mới tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết TƯ 8 (Khoá XI) quy định của Luật giáo dục ĐH. Đây được coi là mở đầu đột phá trong đổi mới nhằm thay đổi cách dạy, cách thi trong trường phổ thôgn cũng như trong ngành GD và ĐT. Bộ GD và ĐT sẽ “mở rộng cửa” cho các trường ĐH-CĐ tự chủ tuyển sinh tiến tới chấm dứt kỳ thi “ba chung”. Mới được công bố chính thức từ đầu tháng 12-2013, đến nay, dự thảo quy định đổi mới tự chủ vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội nghi công tác Thi và Tuyển sinh năm 2013. Ảnh: Lê Hà
5. Việt Nam đoạt giải cao tại các kỳ thi Olimpic
Năm 2013, đã có 34 học sinh Việt Nam đoạt huy chương vàng, bạc, đồng trong kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Trong số đó, nổi bật có học sinh Ngô Phi Long, được mệnh danh là “cậu bé vàng” Vật lý của Việt Nam đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì những thành tích cao liên tiếp: Huy chương Vàng các cuộc thi Olympic Vật lý Quốc tế 2012, 2013, Huy chương Vàng Olympic Vật lý Châu Á 2013. Đội tuyển Olympic Quốc tế môn Toán học năm vừa qua cũng gây ấn tượng mạnh mẽ khi mang về ba huy chương vàng, ba huy chương bạc cho Việt Nam.
6. Học sinh Việt Nam đạt kết quả cao tại Khảo sát PISA
Theo kết quả được công bố của Chương trình đánh giá học sinh Quốc tế PISA 2012 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD khởi xướng và thực hiện, Việt Nam xếp hạng 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt xa học sinh của Anh và Mỹ. Chương trình thực hiện khảo sát và đánh giá dựa trên ba lĩnh vực: đọc hiểu, toán học và khoa học cho các học sinh ở độ tuổi 15 và Việt Nam mới tham gia lần đầu năm 2012. Mặc dù còn nhiều ý kiến phân tích thận trọng về kết quả khảo sát PISA 2012 nhưng thành tích này của học sinh Việt Nam được thừa nhận là ấn tượng và đáng tự hào.
Mặc dù nền giáo dục còn nhiều hạn chế cần khắc phục, học sinh Việt Nam luôn gây được ấn tượng tại các kỳ thi, khảo sát quốc tế. Ảnh minh họa - Lê Hà.
7. Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng
Ngay trước kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT bổ sung bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 vào nhóm đối tượng được cộng hai điểm khi thi ĐH-CĐ. Tính bất khả thi của thông tư đã khiến dư luận xôn xao. Chỉ 12 ngày sau đó, Bộ GD và ĐT đã ban hành Thông tư 28/2013/TT-BGDĐT, bãi bỏ diện ưu tiên này.
8. Trừ thi đua do tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng
Bộ GD và ĐT thống nhất với 63 tỉnh, TP về việc nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng cách đưa ra phương án sẽ trừ thi đua nếu các địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp tăng hơn so với năm trước. Một số địa phương có các chỉ số thi đua đạt cao nhưng vì “trót” có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn so với năm trước bị trừ thi đua đã đưa ra thắc mắc, kiến nghị tại Hội nghị tổng kết năm học giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đây được xem là cách chống tiêu cực, nâng cao chất lượng thi cử không giống ai của ngành GD và ĐT.
9. Lần đầu tiên, Bộ GD và ĐT ra quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ
Dựa vào kết luận về việc thanh tra đơn tố cáo “đạo văn” đối với bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Tài chính-Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ra Quyết định “Huỷ bỏ học vị tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế”. Ngay sau đó, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã ra văn bản quyết định hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đối với ông Hoàng Xuân Quế. Ông Quế đã có đơn khởi kiện quyết định về việc thu hồi bằng tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ GD và ĐT ban hành ra Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội và đã được tòa thụ lý.
10. Bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non bị phát hiện và khởi tố
Thời điểm gần cuối năm hình ảnh và thông tin về vụ việc các quản lý và bảo mẫu có hành vi bạo hành trẻ mầm non được phản ánh trên báo chí và mạng xã hội đã gây căm phẫn trong dư luận xã hội. Bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý và quản lý nhóm lớp mầm non Lê Thị Đông Phương đã có hành vi đánh đập và hành hạ dã man các trẻ mầm non tại tại trường Mầm non tư thục Phương Anh (đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai đối tượng về hành vi “hành hạ người khác”.