Vũ trụ đối diện với tương lai u ám
“Con người sẽ đối diện với một vũ
trụ trống rỗng trong 100 tỉ năm nữa, khi toàn bộ thiên hà đều biến mất,
trừ dải Ngân hà của chúng ta”, theo The Australian dẫn lời học giả người Úc.
Tiến sĩ Schmidt đã giành được giải Nobel
Vật lý năm 2011 cùng với Saul Perlmutter và Adam Riess nhờ công trình
nghiên cứu cung cấp chứng cứ cho thấy tốc độ giãn nở của vũ trụ đang
tăng dần.
Trước khi họ công bố báo cáo trên, giới khoa học cho rằng tình trạng nở rộng của vũ trụ đã chậm lại.
Nhờ vào việc đo đạc độ sáng và sự chuyển
màu của siêu tân tinh, Schmidt và đồng sự phát hiện các ngôi sao nổ
tung và thiên hà của chúng đang di chuyển xa dần so với cấu trúc ban đầu
của nó.
Phát hiện trên dẫn đến cuộc nghiên cứu
về năng lượng tối, một dạng năng lượng được cho là lan tỏa khắp vũ trụ
và có khuynh hướng đẩy nhanh tốc độ giãn nở của vũ trụ.
“Trừ khi năng lượng tối đột nhiên biến mất, vũ trụ sẽ tiếp tục bành
trướng với tốc độ ngày càng nhân lên và vật chất xung quanh sẽ dần biến
mất”, theo chuyên gia Schmidt.
Đến 100 tỉ năm nữa, nếu con người vẫn tồn tại, họ sẽ phát hiện mình ngày càng cô đơn trong vũ trụ hoang vắng.
Khi đó, dải Ngân hà vẫn tồn tại và sáp nhập với một số thiên hà lân cận.