Những bức ảnh do phi thuyền Mars Reconnaissance Orbiter cho thấy nhiều tảng đá rơi từ một vách đá trên bề mặt sao Hỏa và để rãnh sâu trên lớp bụi. Những hòn đá có đường kính từ 2 tới 20m. Hiện tượng đá rơi diễn ra trong một khu vực có bán kính 100km. Trung tâm của khu vực này là một điểm gần các đường đứt gãy Cerberus Fossae, bởi mật độ đá rơi ở điểm này đạt mức cao nhất, Space cho biết. “Hiện tượng đó phù hợp với một số giả thuyết cho rằng những tảng đá trên sao Hỏa rơi do động đất. Mức độ rung đạt cực đại ở tâm chấn và giảm dần ở những điểm xa hơn”, Gerald Roberts, một nhà nghiên cứu của Đại học London tại Anh, phát biểu. Động đất trên sao Hỏa xảy ra trong thời gian khá gần đây.
Robert và các đồng nghiệp dự đoán cường độ của trận động đất vào khoảng 7 độ Richter - tương đương với cường độ cơn địa chấn từng cướp mạng sống của khoảng 300.000 người Haiti vào năm 2010. Rất có thể trận động đất xảy ra do chuyển động của dung nham bên dưới một núi lửa mang tên Elysium Mons ở gần đó. Do những luồng gió trên sao Hỏa chưa xóa dấu vết mà những rãnh sâu trên bề mặt do đá tạo ra khi chúng lăn, nhóm nghiên cứu nhận định trận động đất xảy ra khá gần đây. Thậm chí họ không loại trừ khả năng hành tinh đỏ vẫn đang rung chuyển hôm nay. Nếu địa chấn xuất hiện bởi hoạt động của núi lửa thì đó là tin tốt đối với những người muốn săn lùng sự sống trên hành tinh đỏ, bởi nhiệt từ núi lửa hoạt động có thể khiến các tầng băng bên dưới bề mặt sao Hỏa tan thành nước. Quá trình đó sẽ dẫn tới sự xuất hiện của các hồ chứa nước ngầm - nơi sự sống có thể hình thành và phát triển. |