Khi chinh phục các đỉnh núi thấp, bạn có thể hò
reo hay thậm chí la ó, cái đó chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng với núi cao phủ
tuyết, hãy coi chừng vì điều này cực kỳ nguy hiểm. Và nếu chịu khó quan
sát, bạn sẽ thấy nói chung các vận động viên đều chỉ im lặng, cắm cúi
leo lên...
Trên núi cao, quanh năm tuyết không ngừng rơi và
phủ trắng đỉnh núi. Cứ sau mỗi lần tuyết rơi, tầng tuyết lại dày thêm
một chút. Tầng tuyết càng dày, áp lực mà tầng dưới phải chịu càng lớn,
tuyết ở tầng dưới do vậy bị nén chặt lại thành những tảng băng dạng
tuyết.
Đồng thời tầng tuyết này cũng giống như một cái
chăn phủ lên núi làm cho nhiệt lượng ở tầng đáy không thoát đi được, vì
thế nhiệt độ ở tầng đáy thường cao hơn nhiệt độ ở tầng trên cùng từ
10-20 độ C. Do vậy, một phần băng tuyết ở tầng đáy đã biến thành nước.
Lớp nước này có tính chất giống như lớp dầu nhờn,
và tầng tuyết dày trở thành "một đống sắt thép được bôi trơn" nằm
nghiêng trên sườn núi, lúc nào cũng có thể trượt xuống. Nếu một tảng đá
lớn lăn qua hoặc một loại chấn động từ đâu truyền tới, tầng tuyết này sẽ
đùng đùng sụt lở toàn bộ xuống và vùi sâu tất cả các vật mà nó gặp trên
đường. Hiện tượng này gọi là tuyết lở.
Khi người ta gào to sẽ phát ra âm thanh có nhiều
loại tần số, thông qua không gian truyền tới tầng tuyết làm cho tầng
tuyết chấn động. Nếu như có tần số nào đó của âm thanh gần bằng với tần
số dao động riêng của tầng tuyết thì sẽ hình thành cộng hưởng, tầng
tuyết có thể vì thế sẽ dao động dữ dội mà sụt lở xuống. Điều này rất
nguy hiểm đối với các vận động viên leo núi. Vì vậy cấm gào thét to đã
trở thành luật của các đội leo núi. |