Nắm rõ được mục tiêu là điều quan trọng
thứ hai bạn cần đạt được trong chuỗi câu hỏi hoạch định cuộc đời. Tôi không chỉ nhắn nhủ bạn hãy đề ra mục tiêu cho mình, mà còn
phải biết cách lập kế hoạch một cách khoa học để hoàn thành nó nữa.
Vì sao chúng ta luôn dậm chân
tại chỗ, dù biết đích đến là gì?
Hãy nghĩ về chuyện học ngoại ngữ là
chuyện muôn thuở của tất cả mọi người. Trong thời đại ngày nay, học
ngoại ngữ đã trở thành một xu thế tất yếu nếu bạn muốn có một công việc
tốt, lương cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, blah blah…
Ai cũng biết điều này. Quá rõ. Mọi người
đổ xô đi học ngoại ngữ. Hoặc để nó vào danh sách mục tiêu của mình.
Bạn cũng là một trong số đó. Hoặc đã
từng là một trong số đó.
Chúng ta có rất nhiều lý do để học ngoại
ngữ, rất nhiều hăng hái, có đủ điều kiện để học ngoại ngữ. Mọi người
thường khuyên là hãy viết mục tiêu ra giấy, rồi dán lên tường và bạn sẽ
có động lực để thực hiện. Bạn cũng làm một tờ giấy note tương tự, tuy
nhiên…
6 tháng trước, bạn đã hồ hởi đăng ký một
lớp học tiếng Anh để thi bằng TOEIC. Và bây giờ thì sao? Bạn vẫn chưa
thi được chứng chỉ này và đang ngồi lật lật từng bài tập trong đó với vẻ
miễn cưỡng, tiếc nuối!
Kết cục là bạn chẳng học được gì ra hồn
và cứ mãi trăn trở về những mục tiêu của mình trong suy nghĩ. Bạn chia
sẻ chán chê với bạn bè, quyết tâm hùng hồn với bố mẹ, cam kết đủ điều
với bản thân…rồi bạn rời bỏ mục tiêu của mình với những lý do hết sức vớ
vẩn, kiểu như “mình không có thời gian, việc này cũng chưa gấp lắm,
thôi để lúc nào thực sự thong thả hẵng học…”
Sai lầm của bạn là có mục
tiêu mà không biết cách lập kế hoạch một cách khoa học, rõ ràng.
Trước khi học, bạn đã trả lời những câu
hỏi như thế này chưa:
- Bạn học ngoại ngữ
để làm gì: Xin việc hay du học? Hay chỉ học theo trào
lưu? Hay cứ học đấy rồi tính sao?
- Bạn có mục tiêu cụ
thể cho việc học ngoại ngữ: Đạt được bao nhiêu điểm cho
bài thi, kỹ năng có được sau khi học?
- Bạn đã có kế hoạch
cụ thể: Ngày nào, tháng nào bạn sẽ học? Mỗi ngày bạn sẽ
học những gì? Bạn có thể ước chừng bao lâu thì bạn sẽ đạt được mục tiêu?
Việc học ngoại ngữ chỉ là một ví dụ nhỏ
cho hàng trăm, hàng ngàn mục tiêu chúng ta đặt ra mỗi ngày, mỗi giờ,
trên thế giới này. Đừng để mục tiêu của bạn chỉ là những hình ảnh đẹp
lung linh và tồn tại trong ý nghĩ làm vật trang sức. Hãy cụ thể hóa nó
và bắt tay vào hành động!
Thực ra, việc lập kế hoạch cho mục tiêu
chẳng có gì khó, chỉ cần bạn nắm được phương pháp mà thôi: phương pháp
đặt mục tiêu và hoàn thành mục tiêu.
Mô hình SMART
Chúng tôi chỉ giới thiệu sơ bộ về phương pháp này để bạn có thể ứng
dụng một cách hiệu quả cho việc đặt mục tiêu của mình:
SMART là mô hình đặt mục tiêu được sử
dụng trong nhiều lĩnh vực trên thế giới, viết tắt của các từ:
S: Specific: cụ thể.
Mục tiêu của bạn phải cụ thể (ví dụ như: lấy được bằng ngoại ngữ TOEIC
chứ không phải là lấy được một chứng chỉ ngoại ngữ chung chung)
M: Measurable: Đo lường
được. Đo lường mục tiêu bằng những con số cụ thể giúp bạn hình dung ra
đích đến của mình và dễ dàng đặt nó trong kế hoạch (ví dụ lấy được chứng
chỉ TOEIC 650 điểm)
A: Attainable: Có khả
năng đạt được. Đối chiếu năng lực của bạn và mục tiêu bạn hướng tới.
Liệu với lòng quyết tâm + thời gian + phương pháp đúng, bạn có thể đạt
được nó hay không? Đây là một khâu rất quan trọng vì nếu bạn đặt mục
tiêu quá cao, bạn tự gây ra áp lực cho mình mà những việc làm của bạn sẽ
vô ích vì bạn không bao giờ đạt được mục tiêu đề ra; ngược lại đặt mục
tiêu quá thấp so với năng lực thật sự sẽ khiến bạn chẳng bao giờ phát
triển được vì bạn chỉ cố gắng để đạt được những điều quá đơn giản, không
cần mất nhiều công sức.
R: Relevant: Hợp lý.
Liệu mục tiêu đó có đáng để bạn theo đuổi không? Đừng để tâm theo đuổi
những cái đích vô bổ, không có ý nghĩa gì trong cuộc sống của bạn. Bạn
chỉ có một cuộc sống thôi và đừng lãng phí nó.
T: Time-bound: Thời hạn
bạn đạt được mục tiêu. Hãy đặt deadline cho mục tiêu của bạn. Nếu không
có thời hạn cụ thể, bạn sẽ không hoạch định được mục tiêu đó sẽ được
thực hiện trong bao lâu và cần phải làm gì với nó. Khi có hạn mức, bạn
sẽ có nhiều động lực (kể cả áp lực) để hoàn thành mục tiêu của mình.
Nhìn qua thì có vẻ đơn giản nhỉ. Bạn sẽ
nghĩ là “làm sao chỉ có từng ấy chữ cái mà mô hình đó lại hữu ích đến
vậy?”
Vậy thì còn chờ gì nữa. Hãy nghĩ về mục
tiêu sắp tới của bạn. Thiết kế nó theo mô hình trên. Bạn sẽ thấy được sự
linh diệu khi trình bày mục tiêu của mình một cách có hệ thống như thế.
Quan trọng là với mô hình này, bạn sẽ xác định và cụ thể hóa được mục
tiêu của mình, đây là khởi đầu rất quan trọng cho mọi đích đến! |