Huw Price, giáo sư Triết học tại Đại học Cambridge cho biết:
“Trong trường hợp phát minh ra trí tuệ nhân tạo, có lẽ sự tồn tại của
con người trong những thế kỷ tiếp theo sẽ không còn phụ thuộc vào các
yếu tố sinh học”. Lo ngại về điều đó, Giáo sư Price đang lên kế
hoạch khởi động một trung tâm nghiên cứu trong năm tới, nhằm tập trung
vào những nguy hiểm có thể xảy ra do trí thông minh nhân tạo mang lại.
Robot ngày càng giống con người.
Nếu thành công, trung tâm nghiên cứu của
Giáo sư Price sẽ hoạt động với sự hỗ trợ của Martin Rees, Giáo sư vũ
trụ và vật lý thiên văn Đại học Cambridge và Jann Tallinn, một trong
những nhà sáng lập Skype. Theo đó, Giáo sư Price muốn con người chú ý
nhiều hơn đến tương lai với những loại “máy tính không nguy hiểm nhưng vẫn giúp ích cho con người”.
Trên thực tế, mối đe dọa “nổi loạn”
từ những loại máy tính thông minh sẽ không chỉ tồn tại trong các bộ
phim viễn tưởng mà có thể trở thành sự thật, nhất là trong bối cảnh
ngành công nghiệp siêu thông minh đang đạt được những bước tiến khá xa.
Trong thời gian rất ngắn kể từ khi con người phát minh ra máy tính,
chúng giúp nhân loại đạt được những bước tiến dài trên con đường chinh
phụ công nghệ.
Hơn nữa, sự ra đời của những loại robot
thông minh, đủ khả năng hoạt động mà không cần tới sự điều khiển của con
người đang ngày càng phổ biến. Khả năng tự động hóa mang lại những tiện
ích không thể chối cãi cho nhân loại nhưng nhiều người lo ngại, công
nghệ siêu thông minh sẽ trở thành mũi dao 2 lưỡi cho chính sự tồn tại
của con người.
Nhiều người cho rằng những lo lắng của
Giáo sư Price là điều xa vời nhưng ông lập luận, công nghệ tiên tiến có
thể trở thành mối đe dọa khi những bộ não siêu thông minh bắt đầu biết
hướng tới những nguồn lực có lợi cho riêng mình. Điều nguy hiểm là con
người không thể biết khi nào những công nghệ siêu tối tân đạt được điều
đó và nhân loại có kịp trở tay trước sự thay đổi của máy tính hay không.