Vô
số nhà khoa học từng nghiên cứu công nghệ biến nước thải thành nhiên
liệu. Sarah Haigh - một nữ chuyên gia về công nghệ nano của Đại học
Manchester tại Anh - là một người trong số họ. Bà tin rằng chất thải từ
toilet có thể tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ.
"Những vật liệu nano mới cho phép
chúng ta lấy khí hydro từ chất thải của người và biến nó thành
hydrozene, một dạng nhiên liệu dành cho tên lửa", Haigh phát biểu.
Phiên bản thử nghiệm của thiết bị biến nước thải từ toilet thành
nước uống sẽ ra đời vào năm 2013. (Ảnh: thetechjournal.com)
Haigh muốn sử dụng hiểu biết của bà về
công nghệ nano để chế tạo một thiết bị có khả năng biến nước thải từ
toilet thành nước uống và nhiên liệu. Vì thế bà hợp tác với các chuyên
gia của Đại học Thực nghiệm London, Anh trong quá trình nghiên cứu. Họ
sẽ chế tạo một loại thiết bị chứa vi khuẩn và những hạt nano kim loại có
khả năng phản ứng với nước. Sau phản ứng, hydro sẽ tách khỏi nước, còn
nước được lọc lần nữa để trở thành nước sạch. Chi phí sản xuất loại
thiết bị này khá thấp nên giá thành của nó cũng rẻ.
Tỷ phú Bill Gates, người sáng lập tập
đoàn Microsoft, đã tài trợ 100.000 USD cho ý tưởng của Haigh và các cộng
sự thông qua Quỹ Bill and Melinda Gates. Ông cho rằng phát minh của họ
sẽ thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người trên hành tinh theo
chiều hướng tích cực. Nhóm nghiên cứu sẽ nhận thêm một triệu USD từ Quỹ
Bill and Melinda Gates vào năm sau nếu họ chứng minh được rằng vi khuẩn
và những hạt nano kim loại của họ thực sự biến nước thải từ toilet thành
nước uống.
Nhóm nghiên cứu cho biết, phiên bản thử
nghiệm của thiết bị lọc nước thải toilet sẽ ra đời vào năm 2013. Haigh
nói thiết bị của bà không thể tạo ra nước có chất lượng ngang với nước
đóng chai, song loại nước đó vẫn đủ sạch để cứu mạng hoặc giảm nguy cơ
mắc bệnh của hàng triệu người trên thế giới mỗi năm. Tất nhiên, thiết bị
cũng có thể lọc nước thải từ các nguồn khác, chứ không chỉ riêng
toilet.
"Công nghệ lọc nước thải của chúng
tôi sẽ trở nên cực kỳ quan trọng đối với những vùng xa xôi tại các nước
đang phát triển. Ngoài ra nó còn giúp con người giảm mức độ ô nhiễm môi
trường và giảm chi phí xử lý chất thải", Haigh nhận định.