Công
nghệ xử lý nước thải dệt nhuộm sử dụng than cácbon hóa được Viện Công
nghệ Môi trường thực nghiệm xử lý nước thải tại Khu công nghiệp dệt may
Phố Nối, Công ty cổ phần BITEXCO Nam Long, Thái Bình.
Kết quả thực nghiệm cho thấy, ở cùng các
điều kiện, mô hình sử dụng than cácbon hóa cho hiệu suất xử lý COD, BOD
và TOC cao hơn từ 1,5 - 2,7 lần so với mô hình không sử dụng than.
Trong môi trường xử lý vi sinh có than
làm giá thể dính bám, hiệu quả xử lý BOD (lấy qua giá trị trung bình) tỏ
ra có ưu thế hơn hẳn 1,5 lần (53% so với 35%) khi không có than, thể
hiện qua ưu thế của than trong xử lý COD tỏ ra càng vượt trội so với
không xử lý than (gần 2,7 lần).
Đặc biệt, với hàm lượng ô nhiễm dao động lớn ở đầu vào trong bình có than nhưng hàm lượng COD ở đầu ra thấp và khá ổn định.
Nếu so sánh trên khía cạnh xử lý chất
hữu cơ cácbon thì hiệu quả cao nhất thể hiện ở chỉ tiêu TOC tới 73% ở
bình có than, gấp hơn 2 lần so với bình không than 36%. Cũng tương tự
như COD, hàm lượng ô nhiễm tại đầu ra của bình phản ứng có than là thấp
và khá ổn định.
Qua đó cho thấy, mặc dù nước thải của
Công ty cổ phần BITEXCO Nam Long và Khu Công nghiệp dệt may Phố Nối có
những đặc trưng riêng, nhưng việc sử dụng than cácbon hóa làm giá thể
trong quá trình xử lý vi sinh đã làm tăng đáng kể hiệu suất xử lý các
yếu tố gây ô nhiễm như BOD, COD và TOC.
Viện Công nghệ Môi trường cũng đã tiến
hành ứng dụng sản phẩm để xử lý nước thải tại 2 cơ sở dệt nhuộm của Việt
Nam, thực tế là hiệu quả xử lý COD từ 1,28-2,7 lần, BOD 1,5 lần, TOC
gấp hơn 2 lần so với thiết bị đối chứng không sử dụng than cácbon hóa.