Vòng loại khu vực phía Nam với sự tham gia của 52 đội
tới từ 13 trường đại học và cao đẳng trong khu vực đã khởi tranh từ ngày
4-4. Sau những trận tranh tài quyết liệt, 12 đội xuất sắc nhất được
chọn tham dự Vòng chung kết Robocon Việt Nam 2012. Điều đáng nói, cả 12
đội ở khu vực phía nam đều của trường Đại học Lạc Hồng.
Với những người theo dõi Robocon vài năm trở lại đây,
điều này không quá bất ngờ. Những đội Robocon tới từ Đại học Lạc Hồng,
với mã đội quen thuộc LH, đã dần chiếm ưu thế so với mã hiệu BK (Đại học
Bách Khoa Hà Nội và TPHCM) vang bóng một thời.
Vào những năm đầu tiên của Robocon Việt Nam, Đại học
Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TPHCM là hai trường đầu tư nhiều
nhất vào Robocon, đồng thời quy tụ những sinh viên xuất sắc nhất cả
nước. Điều đó cũng góp phần mã hiệu BK nổi bật thời đó.
Nhưng sau một thời gian đầu tư, Đại học Bách Khoa đã
giảm dần quy mô, số lượng đội tham dự, và đây là cơ hội để "nhân tố mới"
nổi lên: Đại học Lạc Hồng.
Nói thế cũng không hẳn các đội Robocon của Đại học Lạc
Hồng độc cô cầu bại. Cũng có những trường nổi lên tại vòng loại TPHCM
với những chiến thắng Peng On Dai Cat đẹp mắt.
Đội CDDCT03 thuộc Cao đẳng Công thương Tp HCM – đội giành được hai Peng On Dai Cat trong tổng số ba trận đấu có lối chơi khá đẹp mắt.
Thầy Nguyễn Quang Hiếu, giảng viên khoa cơ khí – phụ
trách đội cho biết: “Vì không có kinh phí nên gần như toàn bộ tiền dành
cho việc chế tạo robot, mua các phụ kiện đều do thành viên trong nhóm
đóng góp. Thầy được giao nhiệm vụ hỗ trợ về mặt công nghệ, nhưng toàn bộ
ý tưởng từ thiết kế đến việc sử dụng vật liệu gì, công nghệ nào, phần
mềm nào… đều do các em bàn bạc và đưa ra ý kiến”.
Trả lời về việc robot thu thập của đội hoạt động chưa
hiệu quả trong việc lấy chiếc bánh bao cuối cùng ở tầng cao nhất, thầy
Hiếu cũng cho biết, nếu được lọt vào vòng chung kết, chắc chắn thời gian
một tháng tới, nhóm sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu và chế tạo
lại chú robot này để có thể hoạt động hiệu quả hơn.
Vấn đề kinh phí cũng là vấn đề chung của các đội Robocon. Đội Robocon tới từ Đại học Lạc Hồng cũng chịu cảnh tương tự.
Để đầu tư cho ba chú robot, các bạn trong nhóm cùng ba
thành viên chính trực tiếp tham gia thi đấu đã giành rất nhiều công sức
cũng như tiền bạc để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Ngoài phần kinh phí được hỗ trợ từ phía Nhà trường, bản
thân các thành viên trong đội cũng phải đóng góp để đầu tư. Ngoài những
giờ học trên lớp, phần lớn thời gian vừa qua các bạn đều dành cho việc
chế tạo robot.
Các thành viên bao gồm Nguyễn Văn Luận, Tô Ngọc Tấn và
Đường Tuấn Anh cho biết: mặc dù Đại học Lạc Hồng có tới 15 đội tham dự
Vòng loại Robocon khu vực phía Nam và các đội đều được đầu tư rất bài
bản cả về công nghệ cũng như chiến thuật, nhưng có lẽ, một chút may mắn
cộng với tinh thần thi đấu bình tĩnh và tự tin đã giúp các bạn gặt hái
được những thành công bước đầu này.
Tới đây, 12 đội mang mã hiệu LH sẽ cùng là chủ nhà tiếp
đón 20 đội Robocon tới từ khu vực miền Bắc và miền Trung tham dự Vòng
chung kết Robocon Việt Nam 2012 tại TPHCM.
Tới năm thứ 11, cuộc thi do VTV tổ chức và Toyota tài trợ 11 năm liên tiếp vẫn gây một sức hấp dẫn lớn cho người hâm mộ.
Sức nóng từ Robocon Việt Nam 2012 đã lan tỏa tới những
sinh viên đang ăn ngủ cùng Robot, tới những cựu sinh viên đã từng tham
dự Robocon các năm trước và vẫn đang ngóng theo từng mùa Robocon.
Đây là năm thứ 11 Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam được Đài
truyền hình Việt Nam tổ chức và cũng là năm thứ 11 liên tiếp cuộc thi
được tài trợ chính bởi Công ty ô tô Toyota Việt Nam.
|
|