Sôi nổi và căng thẳng ở vòng tứ kết
Trong hai trận tứ kết mang tính “nội chiến” của ĐH Lạc Hồng, các đội LH
– CACTUS1 và LH – AIO, LH – CACTUS2 và LH – WAVE đã cống hiến cho khán
giả những trận đấu đậm chất công nghệ và cống hiến. Phát huy thế mạnh
tốc độ về lối chơi, tâm lý vững vàng và ổn định, các đội LH – CACTUS 1
và LH – CACTUS2, nhanh chóng vượt qua các đồng đội của mình để giành
quyền vào chơi trận bán kết bằng những chiến thắng tuyệt đối
Loy-Krathong.
Trong khi đó, một đại diện khác của ĐH Lạc Hồng LH-B7, đội được đánh
giá là mạnh nhất trong các đội Robocon của ĐH Lạc Hồng gặp phải đối thủ
cực mạnh BKIT-FIBER của ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Trong trận đấu căng
thẳng và quyết liệt này, BKIT-FIBER là đội giành được lợi thế khi đã
hoàn thành việc trang trí cũng như thả Krathong lên mặt sông. Và robot
tự động của đội này chỉ chờ robot tự động của LH-B7 lên khu trung tâm để
cản phá. Cho dù đã thả được ngọn lửa đèn một cách chính xác nhưng
BKIT-FIBER đã quên không lắp những ngọn nến lên Krathong, chiến thắng
của BKIT-FIBER đã không được tính. Và như vậy, với những nỗ lực của mình
LH-B7 đã vượt lên giành chiến thắng với tỷ số 212/90.
Ở trận tứ kết còn lại, phát huy lợi thế về thiết kế của robot tự động
và một tâm lý vững vàng ALLIGATOR (ĐH CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI) đã vượt qua
một SQ PLV(SĨ QUAN CHỈ HUY KỸ THUẬT THÔNG TIN) vốn khá căng thẳng về tâm
lý cũng như chiến thuật. Ở trận đấu này, ALLIGATOR đã có được một chiến
thắng tuyệt đối trước đại diện của Trường sỹ quan chỉ huy kỹ thuật
thông tin.
Căng thẳng và kịch tính ở trận bán kết và chung kết.
Gặp “người đồng đội” LH-CACTUS 1 ở trận bán kết, LH-B7 cũng đã nhanh
chóng khẳng định được vị thế của đội được đánh giá là mạnh nhất của ĐH
Lạc Hồng bằng một chiến thắng tuyệt đối chỉ trong vòng 77 giây. Trong
khi đó, trận đấu giữa LH-CACTUS 1 và ALLIGATOR diễn ra một cách nghiêng
hoàn toàn về ALLIGATOR của ĐH Công nghiệp Hà Nội, khi LH-CACTUS 1 tỏ rõ
là đội gặp vấn đề về tâm lý thi đấu.
Trận chung kết đầy duyên nợ giữa đại diện của ĐH Lạc Hồng, LH-B7 và đại
diện của ĐH Công nghiệp Hà Nội, ALLIGATOR diễn ra một cách kịch tính và
hấp dẫn, đúng như dự đoán của giới chuyên môn và những khán giả trung
thành của Robocon. Nếu như LH-B7 sử dụng 4 cảm biến siêu âm và 2 cảm
biến quang cho robot tự động thì ALLIGATOR chỉ sử dụng cảm biến quan ở
robot mang tính quyết định này. LH-B7 giành lợi thế trong việc sử dụng
robot bằng tay nhưng robot tự động của ALLIGATOR lại nhanh hơn trong
việc thực hiện thả Krathong lên sông. Tuy nhiên, với tốc độ và sự ổn
định của robot tự động thả ngọn lửa đèn, LH-B7 đã giành được một chiến
thắng Loy-Krathong một cách nghẹt thở khi chỉ hơn ALLIGATOR vài giây.
Với chiến thắng này, LH-B7 đã lên ngôi vô địch Cuộc thi sáng tạo robot
Việt Nam 2011, qua đó giúp ĐH Lạc Hồng trở thành trường đầu tiên bảo vệ
thành công ngôi vô địch cuộc thi sáng tạo danh giá dành cho sinh viên
khoa học, kỹ thuật của Việt Nam.
|