(www.phatminh.com) Một số ưu và nhược của LG Optimus L3:
Ưu điểm:
- Thiết kế tốt so với phân khúc điện thoại giá rẻ. - Hiệu năng làm việc tốt, ít tốn pin. - Hỗ trợ Flash Player.
Nhược điểm:
- Màn hình độ phân giải thấp. - Camera chất lượng khá tệ.
Giờ đây, thị trường smartphone đã tràn ngập các dòng điện thoại có cấu hình cực mạnh, nhưng giá của chúng thì cũng không hề rẻ. Tuy nhiên, người tiêu dùng bình dân vẫn có thể sở hữu những chiếc điện thoại giá rẻ mà có hiệu năng tương đối tốt nhờ vào sự lên ngôi của dòng smartphone Android có giá cả cạnh tranh.
Cũng giống như nhiều nhà sản xuất khác cho ra rất nhiều sản phẩm ở các phân khúc khác nhau, LG đã tung ra sản phẩm smartphone giá rẻ của mình mang tên LG Optimus L3. Với mức giá khá rẻ cùng hình thức tương đối đẹp, người dùng có hầu bao eo hẹp hoàn toàn có cơ hội để trải nghiệm một chiếc smartphone Android có nhiều tính năng này.
Thiết kế
Optimus L3 có hình dạng chữ nhật vuông cứng cáp của dòng L nói chung, thiết kế của nó khá đẹp khi so sánh với các điện thoại Android khác ở cùng phân khúc. Thiết kế của L3 cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của hãng điện thoại Hàn Quốc. Ngoài phiên bản màu đen, LG Optimus L3 còn có phiên bản màu trắng trông khá thanh lịch với thiết kế viền kim loại xung quanh. Tuy vậy, thì Optimus L3 cũng có những điểm trừ về mặt thiết kế.
So sánh kích thước của L3 với một số smartphone khác.
Đơn cử như chiếc smartphone giá rẻ của LG có lớp vỏ sau làm từ nhựa do đó nó đem lại cho người dùng cảm giác rẻ tiền. Tuy nhiên, L3 lại gỡ gạc lại được thông qua các phím bấm vật lý khá nhạy và dễ ấn. Thiết kế các cạnh của máy cũng khá bình thường và không có nhiều khác biệt.
Cạnh dưới của máy gồm cổng kết nối và micro phụ.
Cạnh trái là các phím chỉnh âm lượng.
Cảnh phải của máy khá trống.
Cạnh trên của L3 là cổng cắm tai nghe và nút nguồn.
Màn hình
LG Optimus L3 sở hữu màn hình 3,2 inch với độ phân giải khá thấp 240 x 320 pixel. Với độ phân giải thấp như vậy mật độ điểm ảnh của máy chỉ ở mức 125 ppi điều đó đồng nghĩa với việc màn hình của L3 cho chất lượng hiển thị rất tồi. Đây quả là một sự thất vọng đối với những người dùng muốn sử dụng smartphone cho các mục đích như chơi game, xem video.
Giao diện
Mặc dù chất lượng màn hình khá tệ, nhưng Optimus L3 vẫn là một smartphone có nhiều tính năng hấp dẫn bởi chiếc điện thoại này sử dụng hệ điều hành Android 2.3 Gingerbread cùng giao diện Optimus của LG. Phiên bản giao diện của LG dành cho chiếc smartphone này chủ yếu thay đổi một số yếu tố về đồ họa cùng nhiều tùy chọn về các tính năng hơn như thêm một số phím tắt cho Wi-Fi, Bluetooth... Nhìn chung, Optimus L3 có đầy đủ các chức năng cơ bản của Android 2.3 cùng vài thay đổi nhỏ không đáng kể, rất phù hợp với người dùng không có nhu cầu quá cao trên smartphone.
Giao diện menu chính của L3 tương đối khó sử dụng do nó được thiết kế theo chiều dọc thay vì bố trí theo chiều ngang như đa số các smartphone Android khác. Chính vì vậy mà người dùng gặp đôi chút khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng dụng mình cần trên máy trong thời gian đầu sử dụng. Đặc biệt L3 có tới 1 GB bộ nhớ trong giúp ích khá nhiều trong việc cài đặt các ứng dụng và trò chơi và có hỗ trợ thêm thẻ nhớ microSD gắn ngoài lên tới 32 GB.
Cấu hình
Optimus L3 sử dụng bộ xử lý đơn nhân ARM Cortex-A5 với xung nhịp 800 MHz cùng 384 MB RAM. Với mức cấu hình như vậy, smartphone giá rẻ của LG hoàn toàn có thể đảm nhiệm được nhiều tác vụ cơ bản của người dùng. Người dùng hoàn toàn có thể trải nghiệm các game như Temple Run, Angry Birds Space, Fruit Ninja mà không gặp phải bất cứ trục trặc gì với khung hình cao và ổn định ngay trên chiếc smartphone này.
Điểm số benchmark của L3 so với các dòng smartphone khác.
Bàn phím ảo
Bàn phím ảo của Optimus L3 hoạt động khá ổn định trên màn hình "mi nhon" 3,2 inch. Dù rằng sử dụng bàn phím ảo theo chiều ngang hay chiều dọc thì Optimus L 3 vẫn đem lại được sự thoải mái cho người dùng. Cảm giác bấm phím khá nhanh, độ chính xác tương đối cao là những điểm được đề cao dành cho bàn phím ảo của máy.
Bàn phím QWERTY theo chiều dọc.
Bàn phím QWERTY theo chiều ngang.
Kết nối
Do có độ phân giải màn hình rất thấp, nên trình duyệt của Optimus L3 chạy tương đối “mượt”. Người dùng có thể lướt web nhanh và nó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cho công việc. Tuy nhiên, trình duyệt web của L3 lại không mấy “thân thiện” và làm cho người sử dụng rất khó đọc các thông tin. Một phần là do màn hình của máy có độ phân giải thấp nên việc đọc chữ trên web nhiều khi không được thoải mái cho lắm.
Trình duyệt web của L3.
Một điểm khá thú vị là smartphone L 3 của LG tuy sở hữu bộ xử lý "bình dân" 800 MHz nhưng lại hỗ trợ cả Flash. Về cơ bản thì các nội dung Flash trên web vẫn chạy rất trơn tru trên L3 mặc dù màn hình của máy có chất lượng không cao. Bên cạnh kết nối Wi-Fi cần phải có cho smartphone thì Optimus L3 cũng được hỗ trợ kết nối 3G cho tốc độ truy cập Internet cao hơn. Điều này khiến cho smartphone của LG có được nhiều cảm tình hơn trong mắt người dùng.
Camera
Optimus L3 không có nút chụp ảnh chuyên dụng, ứng dụng chụp ảnh của máy có giao diện khá đơn giản và dễ sử dụng. L3 chỉ có camera sau cho độ phân giải 3MP không thật sự ấn tượng khi so sánh với các dòng sản phẩm smartphone khác. Tuy nhiên thì người dùng cũng khó có thể đòi hỏi nhiều ở một smartphone giá rẻ như L3. Dù rằng giao diện chụp ảnh của máy còn có nhiều cài đặt không cần thiết lắm nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy ở đây một vài tính năng đáng giá. Người dùng có thể thay đổi chế độ tiêu cự, ISO, cân bằng trắng cùng một số hiệu ứng màu sắc... cho ảnh chụp.
Ảnh chụp từ L3 có chất lượng không quá xấu. Khi chụp trong chế độ nội cảnh thì camera của L3 tỏ ra khá yếu thế bởi nó không hỗ trợ đèn flash. Nói chung, dù bạn không phải người tiêu dùng khó tính nhưng cũng không nên quá kỳ vọng vào camera 3 MP của L3.
Ảnh chụp ngoài trời của L3.
Ảnh chụp trong nhà (ánh sáng mạnh).
Ảnh chụp trong nhà (ánh sáng vừa).
Ảnh chụp trong nhà (ánh sáng yếu).
Một điểm cộng dành cho camera của Optimus L3 đó là khả năng quay video của máy khá mượt với số khung hình ổn định trong khoảng trên dưới 30 khung hình trên giây dù cho độ phân giải của clip quay được chỉ là 640 x 480 pixel cho chất lượng khá thấp và rất khó xem.
Video quay từ LG Optimus L3.
Đa phương tiện
L3 sử dụng trình chơi nhạc chuẩn của hệ điều hành Gingerbread có khả năng hiển thị các album nhạc cùng đầy đủ những tính năng cơ bản khác. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có thêm một số tùy chọn cao hơn nhằm phục vụ cho trải nghiệm nghe nhạc, người dùng hoàn toàn có thể tải bất kỳ trình duyệt chơi nhạc nào của bên thứ ba từ Google Play store.
Do màn hình nhỏ và chất lượng thấp, nên LG Optimus L3 không thích hợp để xem video dù rằng smartphone của LG hỗ trợ xem video ở độ phân giải lên tới 800x480 pixel.
Trình chơi video của máy.
Hiệu năng
Optimus L3 sẽ có chất lượng thoại không phải là tốt cho lắm thi thoảng vẫn xuất hiện một số tiếng ồn khó chịu khi người dùng thực hiện cuộc gọi. Do đó một lời khuyên khi sử dụng Optimus L3 là hãy cố gắng tránh nghe điện thoại ở những nơi có nhiều tiếng ồn.
Dù chỉ có dung lượng pin ở mức 1500 mAh nhưn thời lượng sử dụng của Optimus L3 vẫn được đánh giá ở mức khá tốt. Smartphone giá rẻ của LG có thể cho tới 10 giờ thoại hay 25 ngày ở chế độ chờ. Đây chính là một ưu điểm đáng giá của LG Optimus L3.
Kết luận
Tóm lại, LG Optimus L3 là một chiếc điện thoại khá phù hợp với người tiêu dùng bình dân, máy hoạt động tốt và không có nhiều lỗi nghiêm trọng nào xảy ra. L3 có khả năng lướt web nhanh, giao diện đẹp, có thể chơi các game 3D dạng phổ thông cùng khả năng hỗ trợ Flash tương đối mượt mà. Tuy nhiên, chất lượng vỏ máy chưa cao và độ phân giải màn hình thấp cũng ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định chọn mua của người dùng.
Dẫu vậy thì với số tiền bỏ ra khá rẻ, khó có thể yêu cầu nhiều hơn ở L3. Tại thời điểm hiện tại, giá của nó thấp hơn các sản phẩm như Sony Ericsson Xperia Neo V hay Xperia Ray. Nếu như có thể bỏ qua một số điểm trừ như trên và không phải là tín đồ của game hay video thì bạn hoàn toàn có thể sắm cho mình chiếc điện thoại của LG với giá chỉ hơn 3 triệu đồng.