Đây có thể là bước tiến lớn trong
việc khai thác nguyên liệu cho ngành điện hạt nhân trong tương lại.
Urani hiện đang được khai thác tại các mỏ ở một số nơi trên thế giới,
nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng có thể sẽ không theo kịp khi năng
lượng hạt nhân trở nên phổ biến hơn.
Đáy biển là nơi có nhiều
urani, nhưng nồng độ thấp: khoảng 3 phần tỷ, nghĩa là chỉ có 3,3 mg
trong một tấn nước. Vì thế, khai thác urani từ đáy biển là cực kỳ tốn
kém, không hiệu quả.
Nhật Bản từ nhiều thập kỷ nay vẫn tìm cách
giải quyết bài toán này. Họ nghĩ ra loại thảm làm từ sợi nhựa trộn với
các phân tử vừa bám vào sợi nhựa vừa thấm urani. Mỗi tấm thảm đó có thể
dài 100m, lơ lửng dưới nước ở độ sâu 200m. Sau một thời gian, các nhà
khoa học lấy lên để giặt với dung dịch axit để nó giải phóng urani, sau
đó chu trình lại tiếp tục.
Các nhà khoa học lâu nay vẫn tìm cách
nâng cao chất lượng các sợi dệt thảm và hiệu quả thấm urani. Nhiều nhóm
khoa học tham gia hội nghị cho biết họ đã thử nhiều loại phân tử, hoặc
các biến thể của hạt nano làm từ silica (lấy từ cát) hay carbon.
Nhà nghiên cứu Robin Rogers ở ĐH Alabama, cho biết nhóm của ông sử dụng vỏ tôm biển bỏ đi để nâng cao hiệu quả thu urani.
Rogers
cho biết sau trận bão Katrina và sự cố tràn dầu BP, “chúng tôi bắt đầu
nói chuyện với Công ty hải sản và nông nghiệp ven biển, với những người
đánh bắt tôm cá, và biết rằng họ phải tốn hàng trăm nghìn USD mỗi năm để
xử lý rác thải là vỏ tôm”.
“Chúng tôi phát hiện ra “chất lỏng
ion”, tức loại muối lỏng, có thể chiết xuất một loại polymer gọi là
chitin trực tiếp từ vỏ tôm”.
Chitin là protein chủ yếu trong vỏ
của động vật giáp xác. Độ cứng và khả năng bám vào sợi nhựa khiến nó trở
thành nguyên liệu lý tưởng để sản xuất loại thảm vừa tự phân hủy được,
vừa hữu hiệu trong việc thu urani.
Nghiên cứu vẫn đang được thực
hiện, nhưng triển vọng của dự án là rất lớn xét dưới khía cạnh hiệu quả
kinh tế và thân thiện với môi trường.
|