Tàu ngầm Konsul. (Nguồn: Internet)
Theo kế hoạch, cuối năm nay, Hải quân Nga sẽ được trang bị loại tàu
ngầm này để phục vụ các lợi ích quốc phòng đồng thời có triển vọng sử
dụng trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, như thăm dò địa chất.
Các cuộc thử nghiệm thiết bị lặn Konsul cho thấy thành công đáng kể của ngành chế tạo kỹ thuật lặn sâu ở Nga. Tại Bắc Băng Dương, Konsul đã chinh phục độ sâu 6.270m.
Trong số các thiết bị lặn thế hệ tương đương hiện đang hoạt động trên
thế giới, mới chỉ có thiết bị lặn Shinkai 6500 của Nhật Bản đạt được độ
sâu 6.527m. Tuy nhiên, tầu lặn của Nga có khả năng cạnh tranh với
Shinkai 6500 bởi trên thực tế, Konsul có thể lặn sâu hơn mức 6km theo
thiết kế. Tàu ngầm này được chế tạo với "mục đích kép" vừa phục vụ các dự án đặc biệt của Hải quân Nga, vừa có thể phục vụ các nghiên cứu địa chất, địa vật lý hải dương.
Giới chuyên gia cho rằng Konsul sẽ trở thành một bộ phận quan trọng
của Hải quân Nga với triển vọng tham gia những hoạt động khác nhau như
cài đặt thiết bị dưới biển; theo dõi các tàu ngầm, tàu nổi; phục vụ công
tác thủy văn: rà soát nhiệt độ nước, độ mặn, hướng dòng chảy, sự thay
đổi mực nước biển; tham gia sửa chữa cáp ngầm, dò mìn, điều tra tàu đắm,
máy bay rơi, tàu ngầm...
Thiết bị lặn trên còn có thể tham gia cứu hộ ở độ sâu lớn, với thời
gian hoạt động liên tục 12 giờ, và thực hiện các thao tác cứu hộ, kể cả
phá khoang tàu, trong khi cho đến nay, các thiết bị tương tự chưa đủ khả
năng này. Konsul có tính năng đáp ứng đưa lên bề mặt nước khối lượng
200kg, chỉ số chiều cao và chiều rộng của thiết bị lớn hơn so với các
tàu ngầm cùng loại.
Ngoài ra, tàu lặn có người lái Konsul sở hữu hệ thống an toàn đặc
biệt, có thể tự động nổi lên bề mặt trong trường hợp bất khả kháng nhằm
cứu thủy thủ đoàn.