Có
rất nhiều lời đồn đãi xung quanh viên kim cương được đặt tên Hope (Hy
vọng), nhưng tập trung vẫn là những câu chuyện cực kỳ xui xẻo cho những
người từng vô tình hoặc cố ý làm chủ nhân của nó. Hiện Hope vẫn nằm yên
ổn, tính đến nay là đã 53 năm, trong Viện Bảo tàng tự nhiên Smithsonian ở
Washington, Mỹ. Đến giờ, viên kim cương xanh lớn nhất thế giới với
trọng lượng 45,52 carat chưa có dấu hiệu gì mang lại điềm rủi cho tổ
chức trên. Tuy nhiên, không vì thế mà quá khứ đầy ghê rợn của nó thôi ám
ảnh những người từng có ít nhiều kiến thức về viên kim cương nổi tiếng
này. Giới học giả cho rằng nhiều câu chuyện đã được người bán xào nấu
hoặc đơm đặt thêm để nâng giá bán.
Dù vậy, không phải chuyện nào cũng không
được kiểm chứng. Lời nguyền được biết đến đầu tiên của kim cương Hope
bắt đầu từ năm 1653, khi thương gia người Pháp Jean Baptiste Tavernier
sở hữu được viên kim cương xanh, ban đầu nặng đến 115 carat, trong một
chuyến đi buôn tại Ấn Độ. Người ta kể rằng Tavernier đã móc viên đá quý
trên khỏi một trong những con mắt trên tượng thần Sita của đạo Hindu, và
do hành động báng bổ thánh thần đó, ông này đã bị đàn chó cắn xé đến
chết. Trên thực tế, đó chỉ là tin đồn. Tavernier trở về Pháp và bán viên
ngọc cho vua Louis XIV, và viên ngọc được đặt tên là French Blue (Màu
xanh nước Pháp). Sau đó, ông này về hưu và qua đời một cách yên bình ở
Nga.
Bất chấp bao lời khuyên can, bà Evalyn Walsh McLean vẫn cương quyết đeo kim cương Hope
Đến lượt mình, vua Louis XIV cũng thoát
khỏi vận rủi, nhưng một trong các hậu duệ của ông không được may mắn như
thế. Người cháu là Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette mất đầu
trong cuộc cách mạng Pháp, và những viên ngọc trên vương miện của họ,
bao gồm cả viên kim cương, cũng bị trộm mất. French Blue sau khi được
gọt giũa cẩn thận tái xuất hiện tại London sau đó 2 thập niên, và nhà
tài chính Henry Philip Hope đã tậu nó vào 1839 (từ đó nó được gọi là
Hope). “Lời nguyền” lại bỏ qua cho Henry, nhưng giáng đòn khốc
liệt lên con cháu ông này là Ngài (Lord) Francis Hope. Sau khi Lord
Francis nhận được quyền thừa kế vào năm 21 tuổi, ông cưới một cô gái
nhảy tên Mary Yohe và sống xa xỉ cho đến khi quá túng thiếu và buộc phải
bán viên kim cương đồng thời tuyên bố phá sản. Người vợ chạy theo đối
thủ của chồng, còn Lord Francis chết trong cảnh nghèo đói.
Viên kim cương đổi chủ vài lần cho đến
khi đến tay nhà buôn kim hoàn người Mỹ Pierre Cartier, và một lần nữa,
nó lại buông tha vị này. Tuy nhiên, giới sử gia đặt nghi vấn rằng chính
Cartier cũng thêm thắt thêm vài điểm huyền bí cho “cục cưng”
với hy vọng dụ dỗ người mua kế tiếp, là Evalyn Walsh McLean - một phụ nữ
giàu có ở Washington. McLean cùng chồng đã mua Hope vào năm 1912 và từ
đó cuộc sống của họ trượt thẳng vào vòng xoáy bi kịch. Con trai của họ
thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi, còn con gái tự tử. Chồng McLean bỏ
theo người phụ nữ khác và cuối cùng bà chết trong nhà thương điên. Theo
lời của Viện Bảo tàng Smithsonian, “hơn ai hết Evalyn Walsh McLean là người quảng bá hiệu quả nhất cho lời nguyền huyền thoại của Hope”.
Nhà thiết kế nổi tiếng Henry Winston đã
mua viên kim cương có thành tích khủng khiếp này từ nhà McLean, và cũng
tránh được lời nguyền. Hope không gây thêm điều tiếng gì cho đến khi về
tay viện bảo tàng của Mỹ và năm 1958. Lại thêm một lần nữa, viên kim
cương lại buông tha cho tổ chức trên, nhưng nó lại trút giận lên đầu
người chuyển giao là James Todd. Ông này bị xe tải tông, còn vợ thì chết
sau đó không lâu, và nhà thì cháy trụi.
Có lẽ viện bảo tàng lọt vào nhóm may mắn
tránh được lời nguyền, hoặc trên thực tế chẳng có lời nguyền chi cả.
Nhưng quá khứ thảm khốc của Hope không ngăn được giá trị thị trường của
nó ngày càng tăng vọt. Hiện viên kim cương xanh biếc này có giá khoảng
250 triệu USD.