(www.phatminh.com) Vệ tinh Vinasat 2 đã lên quỹ đạo
Sáng nay (16/5), tên lửa Ariane 5 mang theo vệ tinh Vinasat 2 rời bãi phóng Kouru tại Guyana, Nam Mỹ. Sau 36 phút bay, lúc 5h49, vệ tinh Vinasat 2 rời khỏi tên lửa Ariane 5, vào quỹ đạo an toàn.
Video Vinasat 2 vào bệ phóng.
Video quá trình phóng Vinasat 2.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chứng kiến cuộc phóng vệ tinh tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được truyền hình trực tiếp từ Kouru.
Tên lửa Ariane 5 ngay trước giờ phóng tại Kourou (Guyana). Ảnh: Arianespace.
Trước đó, tên lửa Ariane 5 mang vệ tinh Vinasat 2 của Việt Nam và JCSAT 13 của Nhật Bản đã được vận chuyển ra bệ phóng. Tên lửa Ariane 5 được vận chuyển bằng bệ phóng di động theo hệ thống đường ray ra bãi phóng ELA-3. Theo Arianespace, vệ tinh JCSAT-13 nằm phía trên cùng của khoang vận tải của tên lửa Ariane 5 và được thả vào không gian vũ trụ vào thời điểm 26 phút sau khi phóng.
Tên lửa Ariane 5 đưa 2 vệ tinh rời mặt đất. Ảnh: ArianeSpace.
Lần phóng vệ tinh Vinasat 2 này mang số hiệu VA206, với ý nghĩa là lần phóng thứ 206 của dòng tên lửa Ariane tại Trung tâm vũ trụ châu Âu tính từ lần phóng đầu tiên vào năm 1979.
Quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông là vị trí quỹ đạo thuận lợi, gần với vị trí của Vinasat 1 (132 độ Đông) nên các anten thu phát hướng của cả hai vệ tinh đều không cần chỉnh hướng, tạo điều kiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ của Vinasat-2.
Vụ phóng tên lửa được truyền trực tiếp về trụ sở của VNPT. Ảnh: VnExpress.
Trước khi có vệ tinh Vinasat 1, Việt Nam phải thuê 2.024 kênh vệ tinh viễn thông của nước ngoài với chi phí khoảng 10 triệu USD/năm. Do đó, việc Việt Nam có vệ tinh riêng góp phần giúp các đơn vị trong nước tiết kiệm chi phí thuê kênh, giàm từ 1/3 đến 1/2 chi phí tùy thuộc vào băng tần sử dụng.
Cho đến nay, Vinasat 1 đã khai thác kinh doanh được 4 năm, Theo VTI (thuộc VNPT), đơn vị này sẽ xúc tiến, tiếp xúc với khách hàng là các đài truyền hình lớn như VTV, VTC, tiếp cận các khách hàng trong lĩnh vực dầu khí, tài chính, ngân hàng... và một số nước trong khu vực như Lào, Myanmar, Campuchia. Ngoài ra, Vinasat 2 sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.