7h sáng 14/3, hội trường giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu" chật kín người. Sau phút mặc niệm tưởng nhớ 64 liệt sĩ anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, toàn cảnh về trận Hải chiến 1988 được tái hiện qua lời các nhân chứng. Trong trận chiến này, riêng Đà Nẵng có tới 9 liệt sĩ.
Thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Phó chỉ huy chính trị Trung đoàn 83 khẳng định, việc Trung Quốc cho quân đổ bộ lên Gạc Ma sáng 14/3 và nã súng vào bộ đội Việt Nam, chiếm đảo là hành động ngang ngược, phi pháp. "Chúng ta không nên gọi đây là một trận chiến mà phải gọi là xung đột vũ trang bởi lính công binh cùng lực lượng giữ đảo ra đó để cắm cờ, xây dựng đảo thuộc chủ quyền Việt Nam", ông Hoan nhấn mạnh.
|
Cụm đảo Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin. Ảnh: Google Maps |
Nhớ như in giây phút mình ngã xuống khi trúng lưỡi lê và đạn của quân địch, tay vẫn ghì chặt lá cờ, anh Nguyễn Văn Lanh kể: "Tôi cũng như những đồng đội quyết chiến đấu đến cùng để giữ chủ quyền, không chịu chùn chân trước kẻ thù, sẵn sàng để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc".
Ngày 13/12/1989, binh nhất Nguyễn Văn Lanh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh đang làm việc ở nhà khách Hải quân tại TP HCM với quân hàm đại úy.
Nhận thư mời tham dự buổi giao lưu, anh tranh thủ về quê ăn với mẹ bữa cơm và tìm đến những đồng đội ôn lại chuyện cũ. Thắp nén nhang cho những ngôi mộ gió của 9 liệt sĩ Gạc Ma đặt ở nghĩa trang TP Đà Nẵng, anh lặng lẽ nói, mình may mắn hơn khi còn sống nhưng sẽ không bao giờ quên trận đánh mà tất cả đồng đội đã chiến đấu anh dũng, hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Ban tổ chức đã tạo sự bất ngờ cho đại úy Lanh bằng việc gặp lại người đồng đội từng xé áo băng bó vết thương, nút xuồng thủng đưa anh về phía tàu HQ 505 trưa 14/3/1988. "Bạn! Bạn khỏe không?", anh Lanh đứng sững khi cựu binh Lê Hữu Thảo bước lên sân khấu. Hai người ôm chầm lấy nhau, đôi tay ghì chặt. 25 năm qua, dù nhớ về nhau nhưng mãi đến hôm nay họ mới có dịp gặp lại.
|
Anh Lanh và anh Thảo ôm nhau sau 25 năm gặp lại. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Sau khi rời quân ngũ, dù chật vật với cuộc sống cơm áo gạo tiền nhưng ngày nào tôi cũng đau đáu nỗi nhớ đồng đội", anh Thảo, người cựu binh có khuôn mặt trẻ hơn tuổi 49 nói.
Ít ngày trước, anh tìm về Quảng Bình thắp nén hương trước ngôi mộ của người đồng đội, liệt sĩ Trần Văn Phương và nói với mẹ liệt sĩ Phương rằng: "Con thật có lỗi với mẹ, có lỗi với anh Phương. 25 năm qua, từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình đâu có xa xôi gì mà mãi đến hôm nay con mới vào thăm mẹ, thăm anh!".
Sau khi đưa thi thể trung úy Phương vào đảo Sinh Tồn, cả đêm đó anh Thảo cùng đồng đội tên Chức ngồi canh. Rồi anh tháo chiếc nhẫn cưới trên tay trung úy Phương để gửi về đất liền.
"Mẹ anh Phương bảo đã nhận được chiếc nhẫn cùng kỷ vật. Tôi cũng đã tìm đến gặp chị Hoa (vợ liệt sĩ Phương đang sống ở TP HCM) để kể cho chị nghe về sự dũng cảm của anh trước khi qua đời", anh Thảo tâm sự và cho biết, ước một lần được cùng với những đồng đội còn sống sót trở lại Trường Sa, nhìn về phía Gạc Ma để thắp nén hương tưởng niệm hương hồn 64 đồng đội.
Là một trong 9 cựu binh Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giữ hơn 3 năm và được trả tự do qua đường ngoại giao, anh Trần Thiên Phụng kể: "Chúng nhốt anh em chúng tôi vào từng phòng riêng, mỗi bữa chỉ có một ít nước đựng trong chiếc ca cho cả 9 người. Ai cũng chỉ dám nhấp ướt môi qua cơn khát để nhường cho người uống sau. Đêm đến, lính Trung Quốc lại dựng từng người dậy lấy lời khai nhưng cả 9 anh em đều không nói nửa lời".
|
Đại úy Nguyễn Văn Lanh và thượng tá Hoàng Hoan giúp mẹ Muộn mặc lại chiếc áo cắt may lại từ chiếc áo hải quân của liệt sĩ Phan Văn Sự. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Mang đến buổi gặp mặt chiếc áo hải quân may lại từ kỷ vật của liệt sĩ Phan Văn Sự, mẹ Lê Thị Muộn (Đà Nẵng) bảo, liệt sĩ Sự ra đi khi tuổi đời rất trẻ nên đây là dịp mẹ được kể với nhiều người về con mình, để cả thế giới biết đến những người lính đã anh dũng hy sinh cho chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Còn chị Nguyễn Thị Hoa (vợ liệt sĩ Trần Văn Phương) ngồi lau nước mắt kể về những bức thư anh gửi cho chị cùng các kỷ vật của hai vợ chồng mới cưới. Ngày anh đi, chị đang mang thai con gái đầu lòng được 3 tháng và đó cũng là giọt máu duy nhất anh để lại. Con gái anh, chị Trần Thị Thủy, giờ lại tiếp bước cha vào làm việc tại Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân). Trên những chuyến tàu qua Gạc Ma, chị như thấy bóng dáng cha mình trong bộ quân phục hải quân đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng giữa mênh mông sóng nước.
Theo lời thượng tá Hoan, sau sự kiện ngày 14/3/1988, các chuyến tàu vận tải của Trung đoàn 83 lại vượt sóng trực chỉ Trường Sa xây dựng đảo chìm. Hiện nay, hai cụm đảo Cô Lin, Len Đao (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) được xây dựng vững chãi cạnh đảo Gạc Ma nơi Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép. "Các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng trước khi hy sinh. Thế hệ trẻ Việt Nam hãy tiếp bước cha ông, bảo vệ chủ quyền đất nước khi Tổ quốc cần", ông Hoan nhắn nhủ.