Các chuyên gia cũng sẽ tham gia khóa thực hành tại
phòng thí nghiệm. (Ảnh do WCS cung cấp)
Các nhà khoa học từ viện Smithsonian,
đại học Illinois, Mỹ và Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức
hội thảo về bệnh lý học cho các chuyên gia đến từ Việt Nam, Lào và
Campuchia, trao đổi về kỹ năng nhận biết dịch bệnh từ động vật có hại
cho sức khỏe.
Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ
dự án của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), phần của chương
trình Các mối đe dọa đại dịch mới nổi được khởi xướng từ năm 2009. Hội
thảo diễn ra từ ngày 17 đến 21/10.
“Đây là chương trình quan trọng mang
tính khu vực, không chỉ xây dựng năng lực của từng quốc gia, mà còn góp
phần vào chương trình Sáng kiến vùng hạ lưu sông Mekong mở rộng của
chính phủ Hoa Kỳ”, ông Francis Donovan, giám đốc đại diện USAID tại Việt Nam cho biết.
USAID dự kiến chương trình này sẽ góp
phần tăng cường năng lực quốc gia, khu vực và địa phương về giám sát,
chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, và dịch tễ học trên cả hai lĩnh vực
sức khỏe động vật và con người. Những nỗ lực này nhằm mục đích cuối cùng
là giảm thiểu rủi ro của các dịch bệnh mới nổi lên và lan rộng.
Khoảng 75% tất cả các dịch bệnh mới xuất
hiện hoặc tái xuất hiện vào đầu thế kỷ 21 có ảnh hưởng đến con người
đều có nguồn gốc từ động vật như HIV/AIDS, hội chứng hô hấp cấp (SARS),
cúm gia cầm và đại dịch năm 2009 virus cúm H1N1.