Đây
là lần đầu tiên giới nghiên cứu xác lập được loại tế bào này, mở ra hy
vọng nghiên cứu thành công các phương pháp chữa trị hiệu quả các bệnh
phổi nan y.
Theo công trình được đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine số ra ngày 12/5, các nhà khoa học thuộc Center for Regenerative Medicine Brigham
(Brigham, Mỹ) đã sử dụng các mô phổi để xác định và phân lập được tế
bào gốc ở phổi của người, sau đó nghiên cứu các chức năng của loại tế
bào này trong ống nghiệm cũng như môi trường nuôi cấy.
Ảnh minh họa.
Khi tế bào gốc phân lập, nó có khả năng
phân chia thành các tế bào gốc mới và hình thành các tế bào có thể phát
triển thành các mô khác nhau của phổi. Tiếp đó, thí nghiệm trên chuột
cho thấy các tế bào gốc, sau khi được đưa vào phổi bị tổn thương, đã
không chỉ phát triển thành các tế bào mới hình thành nên các mô phổi mới
mà còn liên kết cấu trúc với các mô phổi có sẵn.
Từ kết quả này, giới nghiên cứu khẳng
định đây thực sự là tế bào gốc vì nó đáp ứng ba tiêu chí, đó là có khả
năng tự tái tạo, có thể phát triển thành nhiều dạng tế bào phổi và có
khả năng biến thể di truyền, tức là sau khi cấy một tế bào gốc ở phổi
của người vào một con chuột để tạo ra các mô mới, các nhà khoa học có
thể phân lập tế bào gốc mới, sau đó tiếp tục cấy vào một con chuột khác
và cũng đạt ra kết quả tương tự.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là những
phát hiện cực kỳ quan trọng đối với quá trình nghiên cứu phương pháp
điều trị các chứng bệnh nan y liên quan tới phổi.
Lâu nay, nghiên cứu sử dụng liệu pháp tế
bào gốc trong điều trị các bệnh về phổi ít được các nhà khoa học quan
tâm vì phổi là một cơ quan phức tạp, cấu tạo từ nhiều loại tế bào có thể
tự tái tạo ở các mức độ khác nhau.
Theo số liệu của Viện Y khoa quốc gia Mỹ, các bệnh về phổi là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ ba ở Mỹ sau các bệnh tim mạch và ung thư.