Khi
con tàu thám hiểm Cassini bay quanh sao Thổ lần đầu tiên cách đây 7
năm, các nhà khoa học phát hiện màu xanh da trời bao trùm cả khu vực bán
cầu bắc của hành tinh. Kể từ đó, sao Thổ đã trải qua các giai đoạn biến
đổi màu sắc theo mùa. Hiện tại, khu vực phía bắc của hành tinh này đang
là mùa hè, trong khi tại khu vực phía nam lại chuẩn bị đón mùa đông.
Sự thay đổi mùa đồng nghĩa với việc bức
xạ cực tím hoạt động mạnh tại khu vực phía bắc, tạo nên những lớp sương
mù mang màu vàng nhạt bao phủ vùng đất này. Trái lại, tại khu vực bán
cầu nam, hoạt động bức xạ giảm dần khiến những lớp sương mù bao phủ dần
như biến mất. Ngoài ra, sự hiện diện của lớp vành đai càng làm tăng hiệu
quả tác động màu sắc tới khu vực phía nam của sao Thổ.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu hình
ảnh gửi về Trái đất từ tàu thám hiểm Cassini, khi lớp sương mù bao phủ
giảm dần và bầu khí quyển quang đãng hơn khiến sao Thổ chuyển sang màu
xanh nhạt.
Đây chính là dịp để ánh sáng Mặt trời
len lỏi chiếu tới hành tinh này thông qua các phân tử ánh sáng khiến bầu
trời trở nên xanh hơn tương tự như trên Trái đất. Sự hiện diện của khí
metan chủ yếu hấp thu trong sắc đỏ của quang phổ khiến sao Thổ chuyển
sang màu xanh dương đặc trưng.
Mặc dù sao Thổ có 4 mùa tương tự như
Trái đất song thực tế một năm trên sao Thổ lại dài gấp 29,5 lần so với
Trái đất. Điều đó có nghĩa là cho tới tháng 5/2017, mùa đông trên khu
vực bán cầu nam của sao Thổ mới xuất hiện.
Điểm đáng nói là Titan - mặt trăng lớn
nhất của sao Thổ lại nằm ngay tại trung tâm quan sát của tàu thám hiểm
Cassini. Bề rộng của của mặt trăng Titan lên tới 5.150km và bị bao phủ
lớp sương mù giàu khí hydrocarbon. Ngoài ra, Titan cũng là mặt trăng duy
nhất trong hệ Mặt trời mang bầu khí quyển mờ đục.