Theo trang Daily Mail,
trong khi theo dõi và phân tích sự dịch chuyển của các hành tinh qua
những vết sao trên Kepler-30 - một ngôi sao giống mặt trời, các nhà khoa
học tham gia sứ mệnh thám hiểm không gian Kepler đã phát hiện “bản sao” Thái Dương hệ của chúng ta.
Hệ mặt trời Kepler-30 có cách sắp xếp tương tự Thái Dương hệ của chúng ta. (Ảnh: Daily Mail)
Hệ mặt trời Kepler-30
nằm cách Trái đất khoảng 1.000 năm ánh sáng và chỉ gồm 3 hành tinh,
trong khi Thái Dương hệ của chúng ta có tới 8 hành tinh. Tuy nhiên, cũng
như trong Thái dương hệ của chúng ta, đường xích đạo của “Mặt trời” Kepler-30 và các đường quỹ đạo của những hành tinh còn lại gần như thẳng hàng.
Ngôi sao chủ trong hệ Kepler-30 có từ
trường mạnh và vô số vết sao - những vùng tối hơn và mát hơn phần còn
lại trên bề mặt ngôi sao - bao phủ.
Khám phá trên của tiến sĩ Roberto
Sanchis-Ojeda và các cộng sự vừa được công bố trên tạp chí Nature. Nó
dường như hé lộ những điều kiện quyết định cấu trúc của một hệ hành
tinh.
Cho tới nay, hầu hết các hành tinh từng được phát hiện đều là “các sao Mộc nóng bỏng”,
không phù hợp để con người cư trú. Hơn thế nữa, các hành tinh này di
chuyển quá sát gần ngôi sao bố mẹ của chúng với quỹ đạo thường không
thẳng hàng, thậm chí đối ngược.
Giáo sư Drake Deming, một chuyên gia đến từ Đại học Maryland (Mỹ), miêu tả phát hiện của nhóm Sanchis-Ojeda là “hấp dẫn”.
Công trình nghiên cứu của họ đã làm dấy lên những hy vọng về việc tìm
thấy một Trái đất thứ hai - nơi có thể trở thành môi trường sống cho con
người trong tương lai.