(phatminh.com) Việc phát hiện “chuột đá Lào” (“knê-củng”, kà-nệ-khụng hoặc “kha nượu”) tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), một loài vật từng được xem là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm đặt ra với giới khoa học nhiều vấn đề cần được khám phá thêm...
|
|
Vào những năm 1996-1999, hai nhà khoa
học gồm M.F. Robinson và R.J. Timmins đã thu được 12 mẫu của một loài
thú gậm nhấm lạ có tên địa phương là "Kha nượu" do người dân bày bán ở
chợ thuộc huyện Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào).
Loài thú mới, hay xưa như... trái đất?
Các mẫu này được chuyển đến Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Luân Đôn (Anh) để
phân tích. Nhóm nghiên cứu của nhà nữ sinh vật Paulina D. Jenkins nhận
thấy chúng hoàn toàn khác xa với các loài thú gậm nhấm hiện đại khác
trên thế giới. Vì thế, họ đã xếp loài thú này vào một họ mới
(Laonestidae), giống mới (Laonestes) và loài mới (aenigmanus) với tên
tiếng Anh là Laotian Rock Rat - Chuột đá lào.
Chuột đá Lào được cho là tuyệt chủng 11 triệu năm trước được phát hiện tại bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Ảnh: FFI
Điều đặc biệt thú vị là một năm sau đó, nhóm nghiên cứu của Dawson đã
tiến hành so sánh các đặc điểm hình thái của loài thú mới này với các
hóa thạch gậm nhấm. Nhóm Dawson đã phát hiện ra rằng loài thú này là
đại diện còn sống duy nhất của họ thú Diatomyidae đã bị xem là "tuyệt
chủng" cách đây 11 triệu năm. Họ Diatomyidae có ba giống đã bị tuyệt
chủng chỉ được ghi nhận qua hóa thạch là Fallomus, Diatomys và Willmus.
Giữa Laonastes và giống Diatomys có nhiều rất điểm tương đồng như: kích
thước cơ thể tương tự nhau, chân có cấu trúc thích nghi vận động trên
nền đá. Nói cách khác, loài thú mới Laonastes aenigmamus chính là đại
diện sống duy nhất của họ Diatomyidae và vì vậy nó được mệnh danh là
loài "hóa thạch sống".
Hơn thế nữa, loài Laonastes aenigmamus còn được xem là một hiện tượng
"hiệu ứng hồi sinh" (lazarus effect) của họ Diatomyidae. Hiệu ứng hồi
sinh là một hiện tượng liên quan đến các phát hiện hóa thạch sinh vật,
nói về sự tái xuất hiện của một bậc phân loại sau một thời gian dài hàng
triệu năm không có ghi nhận và được xem là đã bị tuyệt chủng. Việc phát
hiện ra loài knê-củng, đại diện sống của họ Diatomyidae bị cho là tuyệt
chủng cách đây 11 triệu năm là một ví dụ điển hình về hiệu ứng hồi sinh
rất hiếm gặp ở các loài thú.
Còn nhiều bí ẩn khoa học ...
Nhóm nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế
(Fauna & Flora Internationa - FFI) đã phỏng vấn một số người dân xã
Thượng Hóa đã từng bẫy bắt được knê-củng, đồng thời đến quan sát một số
nơi knê-củng sinh sống.
Anh Cao Xuân Tiến bên cạnh chiếc bẫy Kà-nệ-khụng trên hang đá. Ảnh: N.Nguyên
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, knê-củng thường bị bẫy bắt ở các khu vực chân
núi đá vôi có nhiều tảng đá lớn và cả trong một số hang núi trên sườn
dốc cao nơi các loài voọc, khỉ hay đến trú ẩn. Knê-củng bị bẫy bắt cả ở
những khu rừng nguyên sinh và những khu rừng gần bản làng đã bị tác động
không quá mạnh. Knê-củng hoạt động về đêm và thức ăn chủ yếu là thực
vật, vì chỉ bẫy bắt được chúng vào ban đêm. Qua nghiên cứu mẫu vật,
trong chất chứa dạ dày của loài này chủ yếu là các mảnh vụn thực vật và
một ít mảnh vụn côn trùng. Các đặc điểm hình thái răng hàm, kích thước
dạ dày, ruột thừa và ruột tịt lớn cũng chứng tỏ đây là loài thú ăn thực
vật. Người dân địa phương cho biết, thú cái của loài này thường chỉ mang
một thai duy nhất.
Một thành viên thuộc nhóm nghiên cứu (đề nghị không nêu tên) cho biết,
việc bảo tồn loài knê-củng có ý nghĩa rất lớn, không chỉ bảo vệ một loài
quý hiếm đơn thuần mà bảo vệ cả một họ thú cổ (Diatomyidae) đã bị tuyệt
chủng cách đây 11 triệu năm. Trên phương diện khoa học, những nỗ lực để
bảo tồn Laonestes, một đại diện sống sót duy nhất của một họ gậm nhấm
với hình thái rất khác biệt và có nguồn gốc tiến hóa sâu sắc ở châu Á
cần phải được ưu tiên cao nhất.
Nếu được bảo vệ, chúng có thể cung cấp nhưng thông tin, tư liệu vô giá
liên quan đến sự đa dạng sinh học hiện nay và trong quá khứ. Những
nghiên cứu tiếp theo cần được tiến hành để xác định các thành viên của
họ gậm nhấm (Diatomyidae) thú vị này đã ở đâu trong 11 triệu năm qua kể
từ khi phát hiện ra hóa thạch cuối cùng của nó ở Trung Quốc (kỷ Miocene,
23-5 triệu năm trước) đến khi phát hiện ra đại diện sống sót duy nhất
(knê-củng) ở Đông Nam Á. Những điều kiện khí hậu và các sinh cảnh chúng
ưa thích là gì và tại sao chúng lại chỉ còn phân bố hạn chế ở Đông Nam Á
Mặc dù loài thú mới phát hiện knê-củng hiện đang sinh sống ngay trong
vùng phân bố tự nhiên của tổ tiên nó, nhưng diện tích vùng phân bố hiện
nay của nó không quá 500.000 ha, thuộc Khu bảo tồn Hin Nậm Nô và VQG
Phong Nha - Kẻ Bàng. Tại cả 2 khu vực này, loài knê-củng đều đang chịu
áp lực mạnh của việc bẫy bắt để làm thực phẩm, sự quấy nhiễu và suy
thoái sinh cảnh do sự khai thác lâm sản và phá rừng làm nương rẫy của
người dân địa phương.
Không lạ với người dân tộc
Chuột đá Lào rất quen thuộc với tộc người Rục ở bản Ón, xã
Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thuộc Vườn quốc gia Phong Nha –
Kẻ Bàng. Họ gọi nó là con “kà-nệ-khụng”. Anh Cao Xuân Tiến (42 tuổi),
một người chuyên bẫy kà-nệ-khụng cho biết, con vật này không nhanh nhẹn
như con chuột thường nên chỉ sống và tìm thức ăn quanh hang trú ngụ.
Chúng hoạt động và xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa dông (tháng 6 - 9 Âm
lịch) và chỉ xuất hiện vào buổi đêm. Loài này có bản tính rất hiền, tuy
có phần hơi chậm nhưng sống sạch sẽ và khôn hơn chuột thường nhiều, hễ
đánh hơi thấy mùi con người là không bao giờ nó đến nữa. Vào mùa, anh
Tiến đặt cả mấy chục cái bẫy treo tự chế để bắt kà-nệ-khụng. “Mỗi con,
miềng (mình) thường bẫy được nặng gần nửa cân. Kà-nệ-khụng ăn không ngon
lắm vì thịt mềm, lại có mùi hơi hơi khó ngửi”, anh Tiến nói.
|
|
|
|
|
|
|