Để đánh giá tiềm năng của máy tính bảng Kindle Fire,
trước hết cần nhìn lại điều gì đã khiến hãng thương mại điện tử lớn nhất
toàn cầu nhưng không có kinh nghiệm sản xuất phần cứng lại ca khúc khải
hoàn với sách điện tử Kindle.
Công thức thành công của Kindle
Kindle được trang bị màn hình E Ink, mang đến cảm giác
như người sử dụng đang cầm trên tay một cuốn sách, không gây mỏi mắt và
chói như các màn hình điện tử hiện nay. Tuy nhiên, công nghệ này đã
xuất hiện trên Sony Librie ba năm trước và người dân Nhật cũng rất
chuộng đọc sách nhưng Sony lại không thành công.
|
Sản xuất Kindle là bước đi liều lĩnh (bước chân vào lĩnh vực phần cứng) nhưng thể hiện tầm nhìn của Amazon. Ảnh: SlashGear. |
Năm 2003, Yoshitaki Ukita, chuyên gia thiết kế máy
Sony Discman, nói với các nhà xuất bản rằng: "Một ngày nào đó, hàng
triệu người sẽ đọc những thứ các vị xuất bản trên thiết bị như thế này.
Nó có thể chứa 500 sách cùng lúc và nặng chỉ 300 g. Đây chính là tương
lai". Các nhà xuất bản bị thuyết phục, nhất là sản phẩm đó là của một
công ty sáng tạo như Sony. Nhưng mỗi bên chỉ cho phép Sony tiếp cận
1.000 đầu sách. "Hàng nghìn cuốn" nghe có vẻ nhiều nhưng chỉ là một phần
nhỏ nhoi trên thị trường sách quá rộng lớn. Librie trở thành sản phẩm
không hoàn thiện.
Theo trang Fast Company, khi Jeff Bezos, CEO
của Amazon, lần đầu nhìn thấy Librie tại một hội thảo năm 2004, ông hiểu
"thiết bị này sẽ phá hủy công việc kinh doanh của mình". Ông lập tức
đặt mua 30 máy cho nhân viên dùng thử và tìm hiểu công nghệ E Ink để xây
dựng sách điện tử. Ông giao cho "cánh tay phải" Steve Kessel mở xưởng
Lab 126 cách xa trụ sở Amazon ở Seattle để biến tham vọng thành hiện
thực.
Kindle được trang bị kết nối Wi-Fi (thay cho cổng USB
trong máy của Sony) và khả năng tìm nội dung trong sách (Search Inside
the Book). Nhưng vũ khí của nó chính là kho sách khổng lồ. Bezos có mối
quan hệ làm ăn với mọi nhà xuất bản lớn. Trong ngày ra mắt, Amazon đã hỗ
trợ tải về tới 88.000 cuốn, gấp 4 lần Sony. Chỉ cần tài khoản Amazon,
người ta có thể mua sách chỉ với một click và giá của chúng chỉ tầm 10
USD. Chưa kể, Amazon có tới 65 triệu người sử dụng - những người đã hình
thành thói quen mua sắm trên mạng.
"Mẻ hàng" Kindle đầu tiên được bán hết veo trong 5,5
tiếng. Bản thân chiếc máy Kindle không ấn tượng, thậm chí thua sách điện
tử của Sony. Tuy nhiên, Amazon không bán thiết bị, họ cung cấp một giải
pháp toàn diện, cũng giống như điều giúp iPhone và iPad bỏ xa đối thủ
một phần là nhờ kho ứng dụng App Store vậy. Hãng này chưa bao giờ tiết
lộ họ xuất xưởng bao nhiên máy Kindle, nhưng số lượng e-book đã vượt xa
số sách in được tiêu thụ.
'Vũ khí' của Kindle Fire
Hệ sinh thái thiết bị - nội dung - hệ thống phân phối
vẫn là hướng đi chiến lược của Amazon khi tung ra máy tính bảng Kindle
Fire. Hãng này nắm trong tay những thứ mà các nhà sản xuất tablet khác
đều hiểu là họ cần phải có nhưng lại không dễ xây dựng: nội dung. Đó
cũng chính là lý do vì sao nhiều chuyên gia tin rằng chỉ Amazon mới đủ
khả năng đối đầu với Apple.
|
Jeff Bezos công bố Amazon Kindle Fire - sản phẩm làm nhiều hãng sản xuất tablet cảm thấy như đang ngồi trên đống lửa. Ảnh: AFP. |
Vậy Amazon đang có những gì? Bên cạnh hàng triệu món
đồ thượng vàng hạ cám mà họ đã bán ra từ đồ chơi cho đến bàn chải đánh
răng, từ vỏ đàn banjo cho đến sườn lợn, Amazon còn cung cấp hơn 1 triệu
sách điện tử (e-book), 100.000 phim, chương trình TV và 17 triệu bài
hát. Họ kém Apple khoảng 1 triệu ca khúc nhưng hơn gấp đôi số e-book và
hơn hàng nghìn chương trình TV.
Dù chạy Android, Amazon đã tùy biến nền tảng này để nó
không thể tải các phần mềm từ Android Market, thay vào đó sẽ là một kho
ứng dụng riêng. Và tuy không trang bị dung lượng lớn cho Fire (8 GB) so
với iPad (16 GB), Amazon đã là một trong những nhà dung cấp dịch vụ
điện toán đám mây lớn nhất thế giới với Amazon Cloud để khách hàng lưu
trữ mọi thông tin trên web, trong khi Apple mới ra mắt iCloud tháng 6.
Amazon Appstore hiện có sẵn hơn 16.000 ứng dụng dù đây mới chỉ là con số
nhỏ bé so với 425.000 ứng dụng trên App Store.
Một vũ khí nữa của Kindle Fire là giá bán. Nó có giá
chỉ 200 USD, thấp hơn một nửa so với Apple iPad rẻ nhất (cùng không kết
nối 3G). "Cần nhớ rằng Amazon là một hãng bán lẻ và tablet 7 inch này
chỉ là một phương tiện để họ bán được nhiều hơn nữa các nội dung số",
nhà phân tích Ross Rubin của hãng nghiên cứu NPD Group nhấn mạnh trên AP.
Còn Jeff Bezos tỏ ra đầy tự tin khi nhìn ra "gót chân
Asin" của các đối thủ: "Lý do họ không thành công là vì họ tạo ra
tablet. Họ không tạo ra dịch vụ".
'Mãnh hổ' Jeff Bezos
Bezos, 47 tuổi, đã thành lập và lèo lái Amazon nhờ
chính phong thái tự tin đó. Từ năm 1994, ông đã nhận thấy "Internet là
tương lai của nhân loại, không chỉ là thư viện khổng lồ mà còn là thị
trường để kinh doanh mọi loại hình sản phẩm đầy tiềm năng".
Bezos đã thuyết phục bố mẹ vét sạch tiền trong nhà để
ông khởi nghiệp cho dù "tủ sách online" của ông ban đầu không đem lại
một xu lợi nhuận (ông cũng nói trước với những người chung vốn rằng 70%
khả năng là họ sẽ bị mất hết số tiền đầu tư đó). Phải mất tới 5 năm trời
sau khi Amazon bổ sung mặt hàng CD, DVD và điện tử tiêu dùng, họ mới
dần có lãi. Hiện nay, Amazon đã là "vua" thương mại điện tử với doanh
thu 9,91 tỷ USD trong quý gần nhất.
|
Jeff Bezos hứa hẹn là một 'Steve Jobs' mới. Ảnh ghép của Gizmodo. |
Niềm tin vào Kindle Fire còn xuất phát từ bài phát
biểu dễ nhớ và đầy thuyết phục của Bezos trong lễ ra mắt sản phẩm ở New
York (Mỹ) ngày 28/9. Người ta như thấy ở đó một Steve Jobs mới. Ông làm
chủ sân khấu, không nao núng khi hạ thấp đối thủ và khiến người ta tin
vào những gì ông nói.
Amazon cũng đã tạo được sự bất ngờ khi giữ bí mật sản phẩm cho đến lễ ra mắt giống Apple. Dù trang công nghệ TechCrunch
đã tung ra một vài thông tin về thiết bị, không ai biết chắc Amazon có
công bố Kindle Fire hay không, hình dáng của nó ra sao và mức giá rẻ như
thế nào, khác hẳn với các vụ "lộ ảnh sản phẩm" vụng về của nhiều hãng
sản xuất khác. |