|
Lê Minh Hợi, Lê Minh Hiệu bên mô hình chiếc máy sấy lúa. |
Máy sấy lúa của hai học sinh
Tháng
10/2010, lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị phát động
cuộc thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật dành cho lứa tuổi học sinh. Hưởng
ứng cuộc thi, Trường THCS Hải Thiện đã khuyến khích học sinh trong
trường tích cực tham gia. Trong số các bài dự thi, đề tài chế tạo máy
sấy lúa của hai em Lê Kim Hợi, Lê Minh Hiệu là xuất sắc hơn cả. Và đúng
như các thầy cô tiên đoán, sau khi được giải Ba toàn tỉnh, tại cuộc thi
“Sáng tạo khoa học và kỹ thuật Intel ISEF 2011” cấp khu vực được tổ chức
tại TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), đề tài này của các em một lần nữa được
ban giám khảo đánh giá rất cao và xuất sắc giành giải Ba.
Theo thiết
kế của các em, chiếc máy sấy lúa được cấu tạo gồm: 4 quạt công suất
lớn, sử dụng nguồn điện 220V, 3 dây vonfram có tiết diện 1mm2; một máng
sắt có diện tích 4m2; ba cửa bằng sắt; một trục khuỷu; một actomat; bốn
bánh xe; rơle nhiệt tự ngắt có dải điều chỉnh Max = 150 độ C và thanh
cảm nhiệt của rơle; động cơ điện 1 pha và bộ dây đai; các thanh sắt và
các lá sắt khác; vỏ máy làm bằng sắt; cần gạt lúa và thanh gạt lúa ra
bằng sắt hoặc gang.
Trong khi
Hiệu chỉnh sửa, lau chùi một số chi tiết trong mô hình máy sấy lúa, Hợi
tự tin giải thích về nguyên tắc hoạt động của máy với chúng tôi: “Khi
đóng điện, động cơ quay làm cho máng sắt đưa qua đưa lại liên tục. Các
dây vonfram sẽ nóng dần lên. Các quạt gió đồng thời sẽ hoạt động đẩy
nhiệt từ các dây vonfram xuống máng sắt. Tiếp đó, cho lúa vào qua cửa số
8, lúc đó quạt gió sẽ thổi các lá lúa, các hạt lúa nhẹ và các tạp chất
khác ra ngoài qua cửa số 9. Khi cho lúa vào máng sắt, động cơ giúp máng
đưa qua đưa lại liên tục làm lúa trải đều và được thay đổi vị trí liên
tục trong khi sấy. Mỗi lần sấy tối đa khoảng 20kg và nhiệt độ máng sấy
thích hợp là 120 độ C. Khi nhiệt độ quá 150 độ C thì thanh nhiệt sẽ hấp
thụ nhiệt và rơle nhiệt tự động ngắt mạch để bảo vệ lúa khỏi cháy nhưng
quạt vẫn hoạt động bình thường. Sau thời gian nhất định, cần gạt làm cho
thanh gạt quét hết lúa đã được sấy khô ra ngoài qua cửa số 10”. Hiệu
cho biết thêm, sấy 20kg lúa sẽ mất khoảng 17 phút, máy có thể hoạt động
liên tục 24/24 giờ với công suất tối đa”.
Cần được hỗ trợ
Trò chuyện
với chúng tôi, Hợi và Hiệu cùng chia sẻ: “Theo tìm hiểu của bọn em, máy
sấy lúa được sản xuất nhiều nhưng chỉ sử dụng bằng nhiên liệu thô sơ
như than, trấu... có giá thành cao và máy có kết cấu khá phức tạp, kềnh
càng, không thể di chuyển được. Từ thực tế ở Hải Lăng, quê hương em, bà
con sản xuất lúa với quy mô vừa và nhỏ, nên bọn em quyết định chế tạo
loại máy gọn gàng, sử dụng nguồn điện 1 pha - 220V, ngoài ra còn có thể
sử dụng máy phát điện, pin năng lượng mặt trời để giảm chi phí”.
Do các vật
liệu để làm mô hình rất khó kiếm nên các em đã tận dụng một số vật liệu
thay thế khác như: dây vonfram được tận dụng từ dây đun nước, vỏ máy
được làm bằng chiếc tủ nhôm kính nhỏ, máng lúa được làm từ khay inox
đựng ấm chén... Tranh thủ những ngày nghỉ, các em đã miệt mài lắp ráp và
cuối cùng chiếc máy sấy lúa thu nhỏ đã thành công, vận hành rất tốt.
Những ngày
này, ngoài giờ học tại trường, Hợi và Hiệu dành thời gian rảnh rỗi vào
việc hoàn thiện mô hình máy sấy lúa của mình. “Sau khi đoạt giải, có
người đã liên hệ với chúng em để xem cụ thể mô hình và đặt vấn đề mua
lại bản quyền nhưng chúng em không đồng ý. Mong muốn của tụi em là sẽ có
một đơn vị tài trợ, hỗ trợ kinh phí để có thể tự tay chế tạo ra chiếc
máy sấy lúa đúng theo thiết kế để có thể giúp ích cho mọi người. Chi phí
để chế tạo, hoàn tất máy khoảng 20 triệu đồng, tuy nhiên đến nay, do
chưa có điều kiện nên tụi em vẫn chưa thể thực hiện được”.
|