Theo Reuters, sứ mệnh dự kiến tốn kém đến 1 tỉ USD sẽ được tài trợ thông qua việc gây quỹ tư nhân.
Nhà sáng lập dự án là triệu phú Dennis Tito, người trở thành vị khách du lịch đầu tiên của vũ trụ vào năm 2001 khi trả 20 triệu USD để được bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS),
Tito nói ông sẽ trả chi phí sơ khởi trong hai năm để phát triển các hệ thống hỗ trợ sự sống và những công nghệ thiết yếu khác.
Hiện tại, Mỹ không có phi thuyền có người lái nào đang hoạt động song có một số dự án đang được phát triển với cột mốc hoạt động dự kiến là 2017.
Do vậy, có rất ít thời gian để tận dụng cơ hội hiếm có khi các hành tinh nằm ở vị trí thẳng hàng, vốn cho phép phi thuyền bay vòng quanh sao Hỏa với khoảng cách khoảng 241 km so với bề mặt hành tinh, trước khi quay trở lại Trái đất.
Thời kỳ phóng phi thuyền sẽ mở ra vào ngày 5.1.2018 và cơ hội kế tiếp sẽ không lặp lại cho đến năm 2031.
“Nếu chúng tôi không tiến hành trong năm 2018, chúng ta sẽ bị cạnh tranh trong năm 2031”, ông Tito, người thành lập tổ chức phi lợi nhuận Inspiration Mars Foundation để thực hiện sứ mệnh, nói với Reuters.
Theo Reuters, trang thiết bị trong phi thuyền sẽ rất eo hẹp để tiết kiệm chi phí. Sẽ có khoảng 17 mét khối không gian sống cho phi hành đoàn hai người. Các nhà tổ chức muốn tìm kiếm một người đàn ông và một phụ nữ, trong đó ưu tiên một cặp vợ chồng, những người sẽ dễ chung sống với nhau trong một thời gian dài bị cô lập.
Phi thuyền sẽ được trang bị hệ thống hỗ trợ sự sống tương tự hệ thống được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng trên trạm không gian, với khả năng tái chế không khí, nước, nước tiểu và mồ hôi.
Ông Tito dự kiến chi phí cho dự án sẽ tương đương với sứ mệnh gửi robot lên sao Hỏa. Sứ mệnh phóng xe tự hành Curiosity lên sao Hỏa của NASA vốn có chi phí 2,5 tỉ USD và một sứ mệnh tiếp theo được lên kế hoạch vào năm 2020 dự kiến tốn kém 1,5 tỉ USD.
“Đó sẽ là một sứ mệnh rất khắc khổ. Bạn không nhất thiết phải theo mọi chỉ dẫn của NASA về chất lượng không khí và nước”, Giám đốc kỹ thuật của dự án Taber MacCallum nói.
Nếu vụ phóng diễn ra vào ngày 5.1.2018, phi thuyền sẽ bay đến sao Hỏa sau 228 ngày. Chuyến trở về sẽ mất 273 ngày và kết thúc bằng một vụ lao vào khí quyển Trái đất với tốc độ 51.119 km/giờ.
Theo triệu phú Tito, nhóm của ông sẽ dùng phiên bản chỉnh sửa của phi thuyền SpaceX Dragon, và dùng tên lửa phóng Falcon Heavy để đưa nó vào quỹ đạo.
Phi hành đoàn sẽ dành phần lớn thời gian để duy trì môi trường sống, tiến hành thí nghiệm khoa học và giữ liên lạc với Trái đất.
Một khi phi thuyền khởi hành, sẽ không có chuyện quay trở lại và nếu có trục trặc, phi hành đoàn sẽ ở lại mãi mãi trong không gian, theo ông MacCallum.