Câu chuyện khởi nguồn từ việc một chủ quán ăn phát hiện chai nước uống Number One của Tân Hiệp Phát có dị vật giống một con ruồi.
"Bản án" 2000 tỷ!
Câu chuyện khởi nguồn từ việc một chủ quán ăn phát hiện chai nước uống Number One của Tân Hiệp Phát có dị vật giống một con ruồi. Người này sau đó đã liên hệ với Tân Hiệp Phát và yêu cầu đưa anh ta tiền để đối lấy sự im lặng. Sau nhiều lần thương lượng, Tân Hiệp Phát đã đồng ý đưa cho vị khách hàng này 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng. Tuy nhiên, trong lúc 2 bên đang giao dịch thì bất ngờ công an ập tới bắt quả tang.
Mặc dù với tâm thế “người bị hại” nhưng chính thương hiệu này rơi vào một cuộc khủng hoảng truyền thông. Nhiều người cho rằng, Tân Hiệp Phát đã “bẫy” người tiêu dùng, ỷ lớn bắt nạt bé và kêu gọi tẩy chay sản phẩm của công ty.
Xuất hiện trước truyền thông thời điểm đó, một đại diện Tân Hiệp Phát tự tin cho rằng sẽ giải quyết mọi việc chủ động và lường trước hệ quả sẽ xảy ra. Tuy nhiên, dường như thực tế đã không diễn ra như dự đoán!
Phát biểu cách đây vài tháng, lãnh đạo Tân Hiệp Phát phải thừa nhận, nếu người tiêu dùng tiếp tục quay lưng với sản phẩm thì doanh nghiệp có nguy cơ phá sản trong vài năm tới. Đáng lưu ý, trong thông cáo phát đi ngày 17/12, ngay trước phiên toà xét xử vụ án “con ruồi 500 triệu đồng” giữa người khách hàng và phía Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp này cho hay, sự việc này đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu và doanh thu của Tập đoàn, ước tính thiệt hại thực tế khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Trao đổi về thông tin này, một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông chia sẻ: “Con số 2.000 tỷ đồng thiệt hại là một bản án thị trường mà doanh nghiệp không thể nào chối bỏ. Điều này cho thấy, quyền lực của người tiêu dùng cũng mạnh mẽ vô cùng”.
Cái giá cho quyền lực của người tiêu dùng!
Theo luật sư Trương Thanh Đức, đây là "cái giá" mà doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát phải trả cho những ứng xử thiếu khôn ngoan của mình. Thậm chí, nếu sau phiên toà phúc thẩm, vị khách hàng kia vẫn bị tuyên án tù nặng thì doanh nghiệp sẽ còn đối mặt với nguy cơ phá sản do bị người tiêu dùng quay lưng.
"Cái sai nhất ở đây do ứng xử kém văn hoá của doanh nghiệp và là thứ không thể tha thứ được. Người tiêu dùng mà cố tình tạo ra mọi tình huống để tống tiền thì có tội nhưng trường hợp này không hẳn là như vậy. Người ta đặt ra vấn đề, doanh nghiệp đồng ý hay không không bị cưỡng ép, phụ thuộc hay bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Nếu đường đường một doanh nghiệp làm ăn bài bản, uy tín thì chả việc gì phải ngại, đằng này nhiều người cho rằng anh lại bẫy, lại dằn mặt người tiêu dùng", vị luật sư nói.
"Về phía người tố cáo, anh ta có vi phạm nhưng theo tôi, nặng thì nên xử án treo không thì xử phạt hành chính thôi", luật sư Đức nhận định.
Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình quan điểm này và cho rằng: "Hiện nay, xã hội tinh tường hơn nhiều, do vậy, người tiêu dùng mới tẩy chay khủng khiếp như thế. Nếu giờ vẫn đi theo logic xử mạnh tay, bỏ tù cả chục năm thì có khi doanh nghiệp sẽ "sập tiệm". Đừng khiến người tiêu dùng phản ứng tiêu cực thêm nữa, sẽ chả được gì cả".
Về ý kiến của Tân Hiệp Phát cho hay, dù thiệt hại lớn về mặt kinh tế nhưng doanh nghiệp này không yêu cầu bồi thường, vị luật sư nói: "Theo tôi, đừng nói là không đòi mà không có lý do gì để đòi cả. Phải chứng minh được là có thiệt hại trực tiếp, còn ở đây tôi hiểu là người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm khiến doanh nghiệp thiệt hại chứ không phải người ta làm anh thiệt hại. 500 triệu vẫn còn nguyên 500 triệu của anh, chỉ người ta thiệt hại vì phải vào tù mà thôi".
Phương Dung |