Tên lửa Trung Quốc chĩa vào Biển Đông
Trung Quốc vừa thành lập một lữ đoàn tên lửa mới trên địa bàn tỉnh
Quảng Đông nhằm răn đe các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền Biển Đông,
thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực.
Dẫn lời một nguồn thạo tin quen, tờ United Daily News của Đài Loan số
ra ngày 2/7 cho biết Lữ đoàn tên lửa đạn đạo 827 mới có trụ sở tại
thành phố Thiều Quan, Quảng Đông.
Tên lửa được triển khai tại căn cứ này có thể bao gồm các tên lửa đạn
đạo chống hạm Đông Phong DF-21D và tên lửa Đông Phong DF-16, một loại
tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn 1.200 km - xa hơn bất cứ tên lửa nào khác
trong kho vũ khí của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan.
|
Tên lửa chống hạm DF-21D có tầm bắn 2.000-3.000 km.
Ảnh ausairpower.com |
Các chuyên gia quân sự cho biết tên lửa chống hạm DF-21D có tầm bắn
2.000-3.000 km và có khả năng đánh trúng các mục tiêu chuyển động với độ
chính xác cao. Một số nhà phân tích địa chính trị cho rằng tên lửa
DF-21D đang "thay đổi cuộc chơi", có thể đe dọa thế thượng phong của các
đội tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt nếu xung đột xảy ra ở Eo
biển Đài Loan hoặc ở Biển Đông.
Theo giới chuyên gia quân sự, do vị trí địa lý của căn cứ Thiều Quan,
Lữ đoàn tên lửa đạn đạo 827 xem ra có nhiệm vụ đe dọa Đài Loan và các
nước ven Biển Đông. Thủ đô Hà Nội cách Thiều Quan chưa đầy 1.000 km và
có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa DF-16.
Kể từ khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bất chấp những áp lực
của Trung Quốc, Bắc Kinh ngày càng có nhiều hành động răn đe. Hiện giờ,
đây chỉ mới là chiến tranh tâm lý, nhưng những hành động nói trên khiến
cho khả năng giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông bằng con đường
hòa bình càng thêm xa vời.
Dằn mặt Phillipines, nhắc nhở Campuchia
Dự đoán Philippines sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra trước Hội
nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) 45 diễn ra tại
Campuchia từ ngày 8 - 13/7 tới, tờ “Nhân dân Nhật báo”, cơ quan ngôn
luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một bài bình luận hôm 3/7 với
bút danh bình luận lấy bút danh “Tiếng nói Trung Hoa” đã cảnh báo, ASEAN
không phải là diễn đàn thích hợp để bàn thảo chuyện Biển Đông.
“Nhân dân Nhật báo” cũng nhắc lại quan điểm của chính phủ Trung Quốc
rằng các cuộc thương thảo phải diễn ra song phương giữa các nước liên
quan trực tiếp và cảnh báo các “thế lực bên ngoài” không nên can thiệp
vào khu vực Biển Đông. Không chỉ vậy, tờ báo này còn bóng gió đến yếu tố
kinh tế trong quan hệ với Bắc Kinh của các nước trong khối ASEAN.
“Tất cả các nước, bao gồm cả Philippines, không nên quên các lợi ích
kinh tế mà họ có được từ sự phát triển của Trung Quốc”, Nhân dân Nhật
báo viết. Theo giới quan sát bình luận, đây là cách mà Bắc Kinh thường
sử dụng trước các hội nghị của ASEAN có liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Còn nhớ, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ
20 tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có
chuyến thăm chính thức Campuchia từ 30.3 đến 2.4, nhằm nhấn mạnh
mối quan hệ chặt chẽ giữa Bắc Kinh với nước đang giữ chữ chủ
tịch luân phiên của ASEAN. Chuyến thăm được các chuyên gia xem là
“nước cờ cản” đối với quan chức cấp cao (SOM) ASEAN bàn về Bộ quy
tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Lần này Bắc Kinh vừa muốn dằn mặt Philippines, vừa muốn nhắc nhở
Campuchia về những con số liên quan đến đầu tư, viện trợ của Bắc Kinh
dành cho nước này mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong chuyến thăm hồi
đầu tháng 4 vừa qua.
Giới tướng tá “diều hâu” kêu gọi thực hiện chính sách bành trướng
Theo Giaoduc.net.vn, kể từ năm 2010, giới tướng lĩnh Trung Quốc
bắt đầu đưa ra những đánh giá, nhận xét báo cáo tác chiến đăng tải trên
các phương tiện truyền thông chính thống.
Xu hướng này càng trở nên rõ nét hơn vào cuối năm ngoái, khi Chuẩn đô
đốc Dương Nghị kêu gọi từ bỏ phương châm ẩn mình chờ thời của Đặng Tiểu
Bình.
Tháng trước đại tá Hàn Húc Đông, giáo sư thuộc Đại học Quốc phòng Trung
Quốc đã đi xa hơn, khi cho rằng đã đến lúc Trung Quốc cần từ bỏ học
thuyết “chống bành trướng”. Trong một bài báo đăng trên “Hoàn cầu Thời
báo”, đại tá giáo sư Hàn Húc Đông của Đại học Quốc phòng Trung Quốc kêu
gọi Bắc Kinh thực hiện chính sách bành trướng về quân sự, địa chính trị
và kinh tế.
Theo nhà báo kỳ cựu Willy Lam và là chuyên gia bình luận các vấn đề
Trung Quốc của tờ Wall Street Journal, giới tướng lĩnh Trung Quốc có
ảnh hưởng một phần trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhất là
vấn đề Biển Đông là vì mâu thuẫn nội tại ngày càng tăng trong nội bộ ban
lãnh đạo Trung Quốc trước Đại hội 18.
Giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc luôn được đảm bảo 20% số ghế của Ban
chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như có ghế trong Bộ
Chính trị và Thường vụ Bộ chính trị - cơ quan quyền lực tối cao. Ngoài
ra, cơ quan quyết định mọi chính sách, chiến lược của quân đội Trung
Quốc chính là Quân ủy trung ương. Để tranh thủ sự ủng hộ tối đa của giới
tướng lĩnh quân đội, Chủ tịch Quân ủy trung ương tương lai Tập Cận Bình
sẵn sàng chấp nhận cho giới tướng lĩnh quân đội có tiếng nói lớn hơn
trong chính sách đối ngoại.