Chiều 22/12, hơn 2.700 câu hỏi của độc giả đã gửi về VnExpress trong buổi phỏng vấn trực tuyến về giá điện. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN - Đinh Quang Tri, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Nguyễn Tiến Thỏa, và Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Đinh Thế Phúc đã dành gần 3 tiếng đồng hồ trả lời bạn đọc xung quanh vấn đề tăng giá điện, đầu tư ngoài ngành và chuyện lương thưởng của EVN. 'Tăng giá cuối năm để không tác động vào lạm phát' - Xin chào ông Đinh Quang Tri. Ngành điện lâu nay đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đối với người dân. Vì sao đến thời điểm này, ông mới quyết định đối thoại với người dân? (Hoàng Hoa, Hà Nội). - Ông Đinh Quang Tri- Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Lãnh đạo EVN rất muốn được trao đổi để hiểu rõ hơn những yêu cầu của xã hội và người dân đối với ngành điện nhằm mục đích đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, hôm nay chúng tôi mới bố trí được thời gian để trao đổi về các vấn đề độc giả quan tâm. - Kính gửi ông Nguyễn Tiến Thỏa, ông đánh giá tác động như thế nào của việc tăng giá điện tới các nhóm mặt hàng thiết yếu?(Nguyễn Như Quỳnh, 60 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) - Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá: Đã tăng giá thì chắc chắn là phải có tác động đến sản xuất và đời sống. Tuy nhiên việc tăng giá lần này ở mức 62 đồng mỗi kWh thì tác động không lớn lắm. Cụ thể đối với sản xuất giá điện bán cho sản xuất tăng bình quân khoảng 5,7% sẽ làm tăng giá thành của một số ngành dùng nhiều điện như giá thành xi măng tăng thêm khoảng 0,39-0,56%. Giá thành cán thép tăng khoảng 0,06%, giá thành nước sạch tăng khoảng 2-2,3%... CPI có tăng lên hay không còn tùy thuộc vào sức mua trên thị trường và sự phấn đấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng sẽ gây sức ép đến lạm phát, nếu trong điều hành trong quản lý không thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. | EVN cho biết chưa thể khẳng định 3 tháng tới có tăng giá điện hay không. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Chính phủ vừa mới công bố chỉ số tăng giá CPI tháng 12 vẫn cao ngất ngưởng thì ngành điện lại góp thêm một cú sốc bằng cách tăng giá điện thêm 5%. Vì sao EVN lại tăng giá điện vào thời điểm này mà không phải là đầu năm? - Ông Đinh Quang Tri: Thủ tướng đã ban hành Quyết định 24 điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường có hiệu lực từ 1/6, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 31 hướng dẫn thực hiện quyết định trên. EVN đã tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh điện năm 2012, và cũng đã có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010. Ngoài ra các tổ chức tín dụng và ngân hàng yêu cầu phải có điều chỉnh giá điện vào cuối năm 2011 để tăng năng lực tài chính của EVN. Nếu giá điện không điều chỉnh, một số tổ chức tín dụng thông báo sẽ dừng giải ngân các dự án đã ký hợp đồng vay vốn và không ký mới các khoản vay tiếp theo. Để giảm áp lực lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, chúng tôi đã chọn giải pháp tối thiểu là tăng 5% vào thời điểm cuối năm. Và phương án này đã được Bộ Công Thương chấp thuận. - Quan điểm của Bộ Công Thương thế nào trước lo ngại EVN sẽ xé lẻ để tăng giá ở mức 5% để tránh việc trình Chính phủ? (Nhật Bình, 40 tuổi, Đất Quảng, Quảng Ninh) - Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực: Việc điều chỉnh giá bán điện sẽ được thực hiện theo quy định của Quyết định số 21về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường, Quyết định số 24 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, Thông tư số 31 quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản. Như vậy, đề xuất điều chỉnh giá của EVN phải được thực hiện theo đúng cơ chế, quy định hiện hành. Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ xem xét, có ý kiến hoặc thẩm định theo đúng quy định và khi cần thiết các Bộ có quyền dừng việc điều chỉnh giá điện. - Giá điện tăng không quá 5% thì không cần phải báo cáo, vậy liệu 3 tháng sau giá điện có tăng lên nữa không? (Trần Thị Thanh Thúy, 20 tuổi, An Giang) - Ông Đinh Quang Tri: Tôi biết bạn rất quan tâm nhưng tại thời điểm này, chưa thể khẳng định được có tăng giá hay không sau 3 tháng nữa. Điều đó phụ thuộc vào sự biến động của các thông số đầu vào cơ bản (giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện phát) và điều kiện của kinh tế xã hội tại thời điểm đó. Từ giờ đến hết năm, sẽ không có đợt tăng giá điện nữa. Vì theo Quyết định 24 và Thông tư 31 thì mỗi đợt tăng giá điện cách nhau tối thiểu 3 tháng. | Ông Đinh Quang Tri: "Chưa thể khẳng định 3 tháng nữa có tăng giá điện không". Ảnh: Nhật Minh |
- Xin cho biết tăng 5% giá điện thì trong 1 tháng tổng số tiền EVN thu về tăng bao nhiêu ạ? Với mức lương "khủng" như vậy ông có suy nghĩ gì cho các ngành khác như giáo dục, y tế? (Quốc Dũng, TP Vinh) - Ông Đinh Quang Tri: Mỗi tháng EVN sẽ thu bình quân được khoảng 500 tỷ đồng doanh thu tăng thêm. Tiền lương các đơn vị của EVN được thực hiện theo đúng chế độ quy định của Nhà nước. Kỹ sư công nhân ngành điện được hưởng một số chế độ riêng biệt so với các ngành nghề khác như phụ cấp an toàn điện, độc hại nặng nhọc, nơi miền núi khó khăn. Mỗi nghề đòi hỏi một trình độ chuyên môn nhất định và điều kiện lao động khác nhau. Nói "khủng" thì tôi không hiểu theo bạn như thế nào là mức lương khủng. Cá nhân tôi cho rằng, mỗi nghề có một nỗi vất vả riêng. - Cục điều tiết là đơn vị quản lý trực tiếp EVN (hoặc chí ít liên quan mật thiết). Trước sự phản ứng dữ dội của nhiều người về chuyện EVN tăng giá điện, vì sao rất ít khi thấy các ông lên tiếng? Phải chăng, các ông ngại không dám phát biểu? (Tuan Anh, 26 tuổi). - Ông Đinh Thế Phúc: Kết quả kiểm toán giá thành điện năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước và kết quả kiểm tra giá thành điện 2010 của Tổ công tác liên Bộ Công Thương - Tài chính cho thấy giá bán điện hiện nay thấp hơn giá thành điện. Trình tự, thủ tục điều chỉnh giá bán điện đã được quy định tại Quyết định 21, Quyết định 24, Thông tư số 31. EVN đã làm đúng quy trình, trình tự thủ tục theo quy định. Cục Điều tiết điện lực đã thực hiện đúng chức năng quy định. | Ông Đinh Thế Phúc, Cục Phó Cục Điều Tiết điện lực. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông nghĩ như thế nào nếu các phòng trọ trong TP HCM cứ tăng giá mạnh sau mỗi lần EVN tăng giá điện. (Trần Hồng Đức, 25 tuổi, 36/19 Trần Tấn, P.TSN Q.Tan Phu TP.HCM) - Ông Đinh Thế Phúc: Theo quy định tại Thông tư 42, Sở Công Thương có trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc thực hiện tính định mức hộ sử dụng và giá bán lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà để ở nhằm đảm bảo cho người thuê nhà được áp dụng đúng các quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt. Do vậy, để đảm bảo các đối tượng được hưởng mức giá theo quy định cần có sự vào cuộc quyết liệt của Sở Công Thương, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm. - Ông Đinh Quang Tri: Nếu phát hiện chủ nhà cho thuê có hành vi thu tiền điện của người thuê nhà vượt quá mức quy định thì lập Biên bản vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực và chuyển Biên bản đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực theo quy định. Việc xử lý các chủ nhà cho thuê thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước. - Gửi ông Tri, ông bình luận thế nào, khi bà Phạm Chi Lan- chuyên gia kinh tế nói rằng: "Ngành điện không sòng phẳng"?(Hoangtuancuong, Hanoi) - Ông Đinh Quang Tri: EVN rất mong muốn được minh bạch hóa giá thành điện để cho mọi người hiểu rõ và chia sẻ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ thực hiện theo Quyết định 24 là hằng năm sẽ kiểm toán giá thành điện và công khai cho công chúng. Ngành điện đã phải chịu mua giá cao bán giá thấp để phục vụ cho nền kinh tế cũng như người dân. Tôi tin rằng người dân cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ với EVN. - Có bao giờ ông cảm thấy vì trình độ của mình và ban lãnh đạo EVN yếu kém nên quản lý không hiệu quả? Ông có gì trăn trở với nỗi khổ của những người lao động nghèo chịu ảnh hưởng của việc tăng giá điện? (Hai Ninh, 47 tuổi, TPHCM) - Ông Đinh Quang Tri: Hiện nay ban lãnh đạo EVN đã cố gắng hết sức để bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế. Nhưng do nhu cầu vốn đầu tư quá lớn nên bản thân EVN, một mình rất khó có thể đáp ứng đủ điện. Do giá điện thấp nên không hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Đối với các hộ nghèo, thu nhập thấp có mức tiêu thụ điện thường xuyên dưới 50 kWh mỗi tháng thì được mua với giá 993 đồng mỗi kWh. Trong đợt điều chỉnh lần này, chúng tôi đã kiến nghị giữ nguyên giá cho các hộ sử dụng đến 100kWh. Về trình độ ban lãnh đạo EVN chúng tôi cho rằng mình cần tiếp tục học hỏi. - Bác nghĩ sao về việc các diễn đàn, trang mạng đang bàn tán việc tăng giá điện lẫn bức xức của họ về lương của ngành điện? (Nguyễn Quang Huy, 22 tuổi, 120 Gò xoài, TP HCM) - Ông Đinh Quang Tri: Việc tăng giá điện là khách quan, EVN rất cần sự chia sẻ của những người tiêu dùng. Chúng tôi mong người tiêu dùng sẽ dùng điện tiết kiệm và hiệu quả. Việc sử dụng điện tiết kiệm sẽ giúp EVN tiết kiệm được các chi phí, đặc biệt là vào các giờ cao điểm và trong mùa khô. Về vấn đề lương của cán bộ nhân viên ngành điện, EVN thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. | Ông Đinh Quang Tri: "Tăng giá điện không phải để trả lương cho cán bộ EVN". Ảnh: Hoàng Hà |
- Có phải tăng giá điện để đảm bảo trả đủ lương cho nhân viên EVN, vì "lương trung bình 7,3 triệu không đủ sống". (Quang Thái, 23 tuổi, Tp hcm) - Ông Đinh Quang Tri: Việc tăng giá điện đợt này không phải để đảm bảo đủ lương cho nhân viên EVN. Đợt tăng giá điện này được tính toán theo giá thành sản xuất kinh doanh điện dự tính cho năm 2012 đã được liên Bộ Công Thương Tài chính kiểm tra rà soát và một phần phí dịch vụ môi trường rừng chưa được tính vào giá điện. Việc tăng giá điện đợt này chưa tính phân bổ khoản chi phí phát sinh tăng thêm của khâu phát điện và mua điện giá cao năm 2010 do hạn hán (khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010) và các khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ đến 31/12/2010, chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2010 trở về trước, còn lại chưa phân bổ. 'EVN kinh doanh ngoài ngành bằng vốn vay' - Ngành điện đầu tư dàn trải sang bất động sản, ngân hàng. Thưa ông, vì sao nhà đèn không thoái vốn sớm để tránh tình trạng lỗ nặng như hiện nay? Ông có thể tiết lộ chính xác, tính đến thời điểm này, EVN đã đầu tư ra ngoài ngành bao nhiêu không? Xin cảm ơn ông. (magician822003@yahoo.com) Số tiền EVN đầu tư vào bất động sản là 104 tỷ đồng, lợi nhuận đã thu về tính đến 30/6 là 3,78 tỷ đồng. Như vậy là không lỗ khi EVN đầu tư vào bất động sản. Hiện nay chúng tôi đã có nghị quyết rút hết vốn tại các công ty bất động sản. Còn việc đầu tư chứng khoán, tổng số đầu tư 114 tỷ, cổ tức thu về đến 30/6/2011 là 14,85 tỷ đồng. Chúng tôi cũng có nghị quyết thoái dần vốn tại công ty chứng khoán. - EVN dùng nguồn vốn nào khi kinh doanh ngoài ngành? (Lê Thọ, 33 tuổi, Thanh Hóa) - Ông Đinh Quang Tri: Vốn để kinh doanh ngoài ngành dùng chủ yếu bằng vốn vay và vốn huy động. Việc kinh doanh điện bị lỗ là do chính sách giá điện chưa được điều chỉnh kịp thời khi các thông số đầu vào như tỷ giá, giá nhiên liêu và cơ cấu sản lượng điện biến động. Trong thời gian tới, thực hiện Quyết định 24 và Thông tư 31, giá điện sẽ dần dần phản ánh theo cơ chế thị trường và các đơn vị sản xuất kinh doanh diện sẽ khắc phục được khoản lỗ. - EVN sẽ giải quyết khoản nợ 35.000 tỷ bằng cách nào? Hay chủ yếu là tăng giá điện ? (Nguyễn Anh Tuấn, Thanh Hóa). - Ông Đinh Quang Tri: EVN sẽ giải quyết các khoản nợ bằng các giải pháp sau: Thứ nhất: Tăng giá điện để có nguồn bù đắp đối với những khoản cấp bách cần phải trả ngay như: tiền mua điện từ các công ty phát điện ngoài EVN như PVN, TKV... mà EVN đang nợ. Thứ hai, về phía khách hàng sử dụng điện: đề nghị quý khách hàng sử dụng tiết kiệm điện. Thứ ba, về phía EVN sẽ phấn đấu tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh điện hết mức có thể, dự kiến khoảng 5% chi phí (không tính chi phí mua điện); giảm tổn thất điện năng. Mặt khác EVN vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nguồn điện có giá thành và giá mua thấp hơn giá bán bình quân và hạn chế đến mức thấp nhất mua điện từ các nguồn điện có giá thành và giá bán điện cao. Như quý khách hàng đã biết chính vì việc này mà phía Nhà máy điện Cà Mau đã yêu cầu EVN phải tăng sản lượng mua điện của họ như báo chí đã nêu gần đây. - Sao không thấy các ông nhận trách nhiệm các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành, bớt lương mà bắt dân phải còng lưng ra gánh những điều bất hợp lý do những yếu kém quản lý của các ông gây ra? (Nguyễn Thanh Bình, 35 tuổi, Đồng Nai) - Ông Đinh Quang Tri: Rất cảm ơn câu hỏi thẳng thắn của bạn. Công ty mẹ EVN chỉ bao gồm các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc: Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Yaly, Đại Ninh, Tuyên Quang..., trung tâm điều độ Quốc gia, công ty mua bán điện. Các công ty trực thuộc khác là những công ty hạch toán độc lập dưới dạng Công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần. Đối với các đơn vị hạch toán độc lập này, không ảnh hưởng đến khoản lỗ kinh doanh điện của EVN. Việc lỗ của các đơn vị này (nếu có) sẽ do HĐQT của công ty đó chịu trách nhiệm theo Luật Doanh nghiệp quy định. Người đại diện của EVN được cử tham gia tại công ty đó phải chịu trách nhiệm nếu công ty xảy ra lỗ và bị xử lý theo Quy chế của Tập đoàn. Lương của nhân viên sản xuất kinh doanh điện không phụ thuộc vào hoạt động của các công ty ngoài ngành. - Đến bao giờ ngành điện hết độc quyền? Tại sao một doanh nghiệp hạch toán kinh doanh lại có thể vừa lỗ vừa trả lương cao? (Trung Dung, 26 tuổi, Ha noi) - Ông Đinh Quang Tri: 1. Ngành điện bây giờ không chỉ có một mình EVN mà còn có cả các Tập đoàn lớn như PVN, Vinacomin, sông Đà... Sắp tới khi phát triển thị trường phát điện cạnh tranh sẽ có rất nhiều nhà đầu tư nhà máy điện chào giá trên thị trường. Như vậy, rõ ràng EVN không độc quyền trong khâu phát điện. Còn trong khâu phân phối và truyền tải thì đây là độc quyền tự nhiên, không ai xây dựng một hệ thống truyền tải song song để cạnh tranh. Lương của từng đơn vị thực hiện theo chế độ tiền lương của Nhà nước quy định. Tiền lương của đơn vị sản xuất kinh doanh điện không phụ thuộc vào các công ty khác hạch toán độc lập. - Độc quyền cung cấp điện là kẻ thù nguy hiểm của sự phát triển, ông nghĩ sao về điều này? (Hữu Dương, 15 tuổi, Hà Nội) - Ông Đinh Quang Tri: Độc quyền trong khâu truyền tải điện là độc quyền tự nhiên. Cho nên chúng ta phải chấp nhận sư thực đó. Các nước trên thế giới cũng quy định các cơ chế để giám sát các loại hình kinh doanh độc quyền tự nhiên bằng cách kiểm sát chính sách giá cả và lợi nhuận. Còn khâu phát điện và kinh doanh bán lẻ điện có thể tổ chức thị trường cạnh tranh. Quyết định 26 của Chính phủ đã phê duyệt lộ trình các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện tại Việt Nam. - Ồng Thỏa nên thẳng thắn trong việc trả lời các câu hỏi hiện tại tôi thấy ông có căú gắt trong các câu trả lời. Hiện tại nhà ông có ôtô không ? (Thanh Bình, 30 tuổi, TPHCM). | Ông Nguyễn Tiến Thỏa. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Có thể do bạn cả nghĩ còn cá nhân tôi, những câu trả lời đều rất thẳng thắn và cầu thị. Hiện tại nhà tôi không có ôtô, tôi không biết lái xe, vợ tôi cũng vậy. Tôi có 2 chiếc xe máy. - Xin ông cho biết bình quân 1 tháng gia đình ông phải trả bao nhiêu tiền điện (Lê Văn Giang, 50 tuổi) - Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Mùa hè, gia đình tôi có 5 người chi hết khoảng 250.000 đồng tiền điện một tháng. Còn mùa đông, thì khoảng 200.000 đồng một tháng. Gia đình tôi có 5 người có 3 máy điều hòa và một bình nóng lạnh. Có điều hòa là một chuyện nhưng sử dụng có thường xuyên không lại là chuyện khác. - Xin lỗi ông Thỏa, chắc ông không phải trả tiền điện rồi hoăc ông nhầm với tiền nước. Nhà tôi hai vợ chồng làm giáo viên, đi cả ngày, nhà 15 m2 nhưng tiền điện nhà tôi cũng bằng nhà ông? (Nlinh, 35 tuổi, Hanoi) - Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Hàng tháng, nhân viên đến thu tiền điện đều đến vào buổi tối. Tôi cũng là người nhiều lần được tiếp nhận hóa đơn thông báo trả tiền điện hằng tháng. Còn lý do tiền điện nhà tôi ít hơn bạn là vì ban ngày cả nhà tôi đi làm, chỉ sử dụng điện vào khoảng thời gian buổi sáng và tối. Đồng thời trong sử dụng, vợ tôi cũng là người tiết kiệm và luôn nhắc nhở mọi người trong gia đình tiết kiệm. Thêm nữa gia đình tôi đã nghe theo khuyến cáo của ngành điện sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. 'Chuyện lương EVN phải chờ Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội' - Ông cho biết chi phí lương của EVN chiếm bao nhiêu phần trăm trong chi phí sản xuất điện. Vai trò của cục quản lý giá như thế nào trong vấn đề này? (Pham The Dat, 36 tuổi, Ha Noi) | "Lương tôi chỉ 6,2 triệu đồng". Ảnh: Hoàng Hà. |
- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Chi phí lương tính trong giá thành sản xuất điện chiếm 5,04%. Còn việc trả lương thực tế của EVN cao hay thấp có đúng chế độ quy định hay không, Chính phủ đã giao Bộ Lao động và Thương binh Xã hội phối hợp với các bộ ngành liên quan kiểm tra để có kết luận cụ thể. Cục Quản lý Giá khi kiểm soát giá thành sản xuất của EVN đã kiểm tra rất kỹ định mức chi phí tiền lương trong giá thành và tiền lương trong giá thành điện được tính theo đúng định mức chứ không tính theo tiền lương thực tế hàng năm kết thúc năm tài chính EVN chi trả. - Tôi không đồng tình với cách ông Đinh Quang Tri trả lời cho câu hỏi của A Quốc Dũng ( TP VInh - Nghệ An) ông nghĩ sao mà nói mức lương của ngành điện là đúng quy định. Ông phải có bản thông kê đầy đủ về vấn đề này. Với trung bình lương 1 tháng trên 13triệu mức lương như vậy không "khủng" sao? (Trần Duy, 26 tuổi, TPHCM) - Ông Đình Quang Tri: Tôi khẳng định chúng tôi thực hiện đơn giá tiền lương theo đúng quy định của Nhà nước. Còn việc phân phối tiền lương của từng đơn vị do giám đốc và công đoàn cơ sở thống nhất thực hiện theo quy chế phân phối tiền lương của đơn vị đó. Quy chế này đã được thông qua tại đại hội công nhân viên chức, Tập đoàn cũng không can thiệp vào sự phân chia này. - Tôi cũng là một nhân viên làm việc trong ngành điện và hiện nay tôi đang công tác tại PC Hà Giang. Lương trung bình của chúng tôi chỉ khoảng 3-3,5 triệu đồng. Xin hỏi ông Tri tại sao chúng tôi, những nhân viên làm việc tại vùng cao Hà Giang lương lại thấp đến vậy? (Phạm Vũ Phan,caonguyenda@gmail.com) - Ông Đinh Quang Tri: Việc trả lương của EVN và các đơn vị thành viên theo Quy chế phân phối tiền lương của từng đơn vị. Quy chế phân phối tiền lương này được thông qua Đại hội công nhân viên chức của đơn vị. Tùy điều kiện sản xuất kinh doanh và đặc thù của từng đơn vị thì có xây dựng Quy chế trả lương khác nhau, nhưng đảm bảo nguyên tắc tiền lương gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm của từng bộ phận, người lao động (từng người thì có căn cứ vào vị trí công tác, hệ số cấp bậc công việc đang làm và hiệu quả của người đó trong từng tháng). Đối với trường hợp của bạn ở PC Hà Giang, chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin và sẽ trả lời bạn sau. - Ông suy nghĩ thế nào về câu nói của Tổng giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh gần đây về mức lương của EVN. Lương ông bao nhiêu và theo ông, mức lương bao nhiêu thì đủ (Nguyễn Võ Tuấn, 23 tuổi, Nha Trang - Khánh Hòa) - Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi không bình luận về câu nói của Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh. Kết luận về câu nói đó chờ kết quả kiểm tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Theo tôi, tiền lương phải bảo đảm cho người lao động đủ sống và nuôi được vợ con và cũng có tích lũy ở mức độ phù hợp để lo cuộc sống lâu dài. Về tôi, lương Cục trưởng sau 37 năm công tác là 6,2 triệu đồng và 800.000 đồng tiền ăn trưa một tháng. Còn mức lương bao nhiêu là đủ còn tùy vào nhu cầu và chi tiêu như thế nào. Đủ theo nghĩa nào tùy theo quan điểm của mỗi người. Còn việc trả lương của ngành điện, tôi và các bạn nên chờ kết luận của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi đã kiểm tra và sẽ công bố. - Lương cán bộ cấp cao EVN là 150 triệu/tháng đúng hay là sai? Ông có bình luận gì về vấn đề này không? (Nguyễn Thanh Đạt, 42 tuổi, TP Hội An) - Ông Đinh Quang Tri: Tôi khẳng định thông tin này là không đúng. Đây chỉ là tin đồn, phỏng đoán. - Trong 3 ông có ông nào không chơi golf không? (Cao Thọ Thắng, 40 tuổi, TP HCM)? | Ông Đinh Thế Phúc. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Đinh Thế Phúc: Tôi không chơi golf. - Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi không biết chơi. - Ông Đinh Quang Tri: Tôi chưa biết chơi golf - Nếu được đề nghị từ chức trong ban lãnh đạo, các ông EVN nghĩ thế nào? (Hoàng, 30 tuổi, Nam Định) - Ông Đinh Quang Tri: Việc bổ nhiệm lãnh đạo EVN là do cấp trên thực hiện theo các quy trình. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, ban lãnh đạo sẽ bị kỷ luật hoặc miễn nhiễm do Nhà nước quy định. - Sao không tư nhân hóa điện để khỏi ai thắc mắc tăng giá hay giảm giá?(Nguyen Ngoc Diem, 30 tuổi, 5B Ton Duc Thang, Q1)? - Ông Đimh Quang Tri: Như trên đã nói, chúng tôi rất muốn kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư điện, nhưng do giá điện còn thấp chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu tư nhân hóa ngành điện thì cũng không khả thi trong bối cảnh hiện nay. Tôi hiểu là mọi người ai cũng mong muốn có đủ điện để dùng với mức giá rẻ. Nhưng điều đó không dễ dàng. Đây là một mục tiêu lâu dài đòi hỏi các đơn vị trong ngành điện phải nỗ lực và có sự hỗ trợ đắc lực của các khách hàng sử dụng điện. - Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tăng giá nói chung, tăng giá điện nói riêng tôi chắc chắn là không ai muốn, trong đó có gia đình tôi và cả các bạn. Tuy nhiên, đây là việc bất khả kháng cần phải làm. Có như vậy, giá cả mới không bị méo mó và giá điện mới có tín hiệu để kêu gọi đầu tư vào việc phát triển nguồn và lưới điện. Tôi mong muốn mọi người cũng như những người thân trong gia đình tôi hãy chia sẻ với những khó khăn mà khi chúng ta phải điều chỉnh giá. - Thưa ông Tri, ông sẵn sàng nghỉ hưu sớm chưa nếu nhiều người cho rằng các ông chưa hoàn thành nhiệm vụ? (Nguyễn Thạo, 32 tuổi, Q.9, TP.HCM) - Ông Đinh Quang Tri: Tôi nghĩ nếu cấp trên đánh giá tôi không hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu tôi chuyển sang làm nhiệm vụ khác thì tôi sẵn sàng. Còn nếu được về hưu sớm thì tôi sẽ tìm việc để làm thêm vì tôi vẫn còn sức khỏe. |