Sáng 17/1, 12 ngày sau vụ cưỡng chế và nổ súng tại đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn, lần đầu tiên lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã lên tiếng. Tuy nhiên, ngoài việc đọc bản báo cáo có sẵn, ông Thoại đã né tránh hầu hết các câu hỏi liên quan đến quyết định cưỡng chế. Ông Thoại cho biết, thành phố đang chỉ đạo các đơn vị cấp dưới xử lý vụ việc, trong đó tập trung rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục về các quyết định giao, thu hồi và tổ chức cưỡng chế đất của huyện Tiên Lãng. "Giữa tuần này việc rà soát sẽ xong, Hải Phòng sẽ có báo cáo chính thức", ông Thoại nói. | Ông Đỗ Trung Thoại: "Nhân dân bất bình nên phá nhà của ông Vươn chứ lực lượng cưỡng chế không san phẳng". Ảnh: Nguyễn Hưng |
Tuy chưa có kết quả rà soát cuối cùng, song vị Phó chủ tịch Hải Phòng vẫn khẳng định, việc thu hồi đất ở Tiên Lãng được "hầu hết các hộ dân chấp hành". Với trường hợp gia đình ông Đoàn Văn Vươn, hộ này sau khi được giao đất năm 1993 đã "tự ý lấn chiếm" thêm 19,3 ha và bị phạt hành chính trước khi được huyện giao thêm diện tích này. "Đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia trong quy định của Luật đất đai không phải đất sản xuất nông nghiệp để giao ổn định trong 20 năm. Vì thế, giao bao nhiêu năm là do địa phương và người thuê đất thỏa thuận với nhau", ông Thoại nói. Trả lời việc vì sao phá nhà của gia đình ông Vươn dù ngôi nhà nằm ngoài diện tích cưỡng chế, ông Thoại cho rằng, khu vực đầm bãi ngoài đê, theo quy định của luật không phải là nơi quy hoạch khu dân cư, không cho phép xây nhà mà chỉ được làm nhà tạm, chòi canh. "Sau vụ nổ súng, chống người thi hành công vụ, lực lượng công an phải rà phá và tìm được vũ khí, vật liệu nổ trong nhà. Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do... nhân dân bất bình nên vào phá. Chứ còn lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này", ông Thoại nói. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức 5 ngày trước, chính Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền lại cho biết, căn nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị phá do "đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp". | Căn nhà 2 tầng của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị đốt phá, san phẳng sau vụ cưỡng chế ngày 5/1. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Cũng theo Phó chủ tịch Hải Phòng, UBND thành phố "sẵn sàng lắng nghe dư luận" nhưng việc trả lời cụ thể phải chờ sự thống nhất của "tập thể lãnh đạo". Đánh giá về sự việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, đây là một sự việc đáng buồn. "Sự việc không còn nằm trong phạm vi Tiên Lãng nữa. Ai sai phải xử lý, bất kể cương vị nào", ông Doãn khẳng định. Trước đó ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Vụ nổ súng sáng 5/1 không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước. Ngày 10/1, 4 bị can gồm Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. |