Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính thiên thạch này bay vào bầu khí quyển của Trái đất với vận tốc ít nhất là 64.373 km/giờ và vỡ ra thành từng mảnh ở độ cao khoảng 30-50 km ở vùng Chelyabinsk, theo tin tức từ RIA Novosti.
Một nhóm các thợ lặn đã xuống hồ đóng băng Chebarkul ở vùng Chelyabinsk, trong nhiệt độ -17 độ C để tìm kiếm mảnh vỡ thiên thạch vào ngày 16.2.
Nhưng Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết, mọi công tác tìm kiếm đã ngưng lại vào ngày 17.2.
“Các thợ lặn đã nỗ lực hết sức nhưng không tìm thấy gì”, theo AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, ông Vyacheslav Ladonkin.
|
Theo ông Ladonkin, Bộ này cho rằng một cái lỗ rộng 8 m ở hồ đóng băng Chebarkul ở rặng Ural, cách thành phố Chelyabinsk 60 km, không phải là nơi mảnh vỡ thiên thạch tiếp đất như báo đài trước đó đưa tin.
“Chúng tôi tin rằng lỗ 8 m này do một thứ gì đó gây ra. Bộ Tình trạng khẩn cấp đã quyết định ngừng tìm kiếm”, ông Ladonkin cho biết thêm.
Tuy nhiên, Mikhail Udovinko, một sinh viên đang theo học ngành luyện kim tại Trường đại học liên bang Ural, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết đã phát hiện một viên đá nhỏ ở gần miệng lỗ.
Theo Udovinko, viên đá có từ tính và tính chất hạt nhân yếu.
"Chúng tôi đã hoàn tất nghiên cứu tại hồ Chebarkul, phát hiện một viên đá nhỏ có thể là mảnh vỡ thiên thạch có chứa 10% sắt. Chúng ta có thể đặt tên thiên thạch là Chebarkul", theo RIA Novosti dẫn lời Udovinko.
Theo RIA Novosti, hồ Chebarkul trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng kể từ ngày 15.2 khi nhiều người đổ xô đến đây để tận mắt chứng kiến cái lỗ 8 m ở hồ đóng băng này.
|
Trong khi đó, các nhà sưu tập đã đăng tải trên các trang mạng xã hội, quảng cáo của Nga kêu gọi những ai tìm thấy mảnh vỡ thiên thạch đem ra bán đấu giá.
Một nhà sưu tập Nga ra giá 500.000 rúp (khoảng 16.000 USD) cho mỗi mảnh vỡ thiên thạch.