Cách đó vài km về phía nam, những khu dân cư ở ven bờ biển tỉnh Fukushima đang tiến hành công cuộc tái thiết. Tuy nhiên, tại Tomioka, thị trấn nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima I chỉ 12km và nằm trong vùng cấm sinh sống có phạm vi 20km, người dân đã bỏ đất mà đi từ lâu. Cỏ dại mọc lên um tùm trên vỉa hè và quanh các cột điện ở những góc đường. Mặt tiền của tiệm thuốc Matsuya ngay trục đường chính không được sơn sửa gì, các tấm kính và biển nhựa của trung tâm vui chơi gần đó vẫn nằm ngổn ngang. Tomioka không thay đổi gì sau một năm rung chuyển vì sóng thần và động đất. Chỉ còn duy nhất ông Naoto Matsumura 52 tuổi ở thị trấn này, không điện, không nước sinh hoạt, đối mặt với sự cô đơn và mối đe dọa mang tên phóng xạ bằng cách chăm nom một bầy động vật lớn, trong đó có một con đà điểu. Ông Naoto Matsumura. (Ảnh: Telegraph)
"Tôi đang làm việc thì động đất xảy ra và chúng tôi nghe thấy radio báo rằng sóng thần đang trên đường tràn vào. Vì thế tôi đã đợi một lát rồi mới tháo chạy", ông kể lại. "Ngày hôm sau, tôi nghe thấy tiếng nổ từ nhà máy. Tôi không cần nghe bất cứ ai kể chuyện gì đã xảy ra, vì tiếng nổ đó quá khủng khiếp". Những tiếng nổ liên tiếp sau đó khiến ông cùng bố mẹ và một vài người dân địa phương quyết định lên đường tiến về phía nam lánh nạn. "Tôi đã gõ cửa nhà dì tôi ở Iwaki nhưng bà ấy không cho ai trong chúng tôi vào vì sợ nhiễm phóng xạ", ông kể. Nhóm người đành đến một trung tâm tạm trú gần đó nhưng tiếp tục bị từ chối, vì thế, họ lại quay về thị trấn. Tháng tư, mẹ ông Matsumura lâm bệnh nên cả gia đình chuyển đến sống cùng một số bà con ở ngoài vùng cấm. "Chúng tôi không thể đưa cả bầy động vật đi theo nên tôi quyết định ở lại chăm chúng", ông nói. Ban đầu, ông chăm sóc khoảng 60 con chó và 100 con mèo bị chủ bỏ rơi. Hàng trăm con vịt và ngỗng cùng gia súc bị nhốt trong chuồng trại địa phương cũng cần được cưu mang. Tuy nhiên, ông Matsumura đã không kịp đưa tất cả số động vật này ra ngoài. Nhiều động vật trong số trên là các thú nuôi trong nhà và chúng tự hợp lại thành bầy. Cuối cùng, ông còn 7 chú chó và 14 chó con, 60 con mèo, một con lợn nửa lợn rừng nửa lợn nhà, và một con đà điểu - con chim duy nhất sống sót trong số 30 con chim ở một trang trại. Ông đã mất cả một buổi chiều chỉ để "dỗ" nó đi một quãng đường 8km về nhà ông, sau khi ông phát hiện thấy nó đang lang thang kiếm thức ăn. Cảnh sát tuần tra trong vùng cấm này đặt tên cho con đà điểu trên là Boss. "Tôi không thấy buồn chán", ông nói. "Lúc đầu tôi cũng thấy cô đơn khi đêm xuống nhưng một tuần sau đó thì tôi đã quen với cuộc sống này. Có rất nhiều động vật sống ở đây cùng tôi nên tôi không bao giờ thấy cô đơn cả". Ông Matsumura vẫn lái chiếc xe tải màu trắng của mình qua những vùng đất hoang vắng và tìm kiếm những con vật cần được giúp đỡ. Chỉ có tiếng chim và tiếng gió rít trên các đường dây điện thoại. Bầy gia súc đã nhớ được nơi ông để thức ăn và đang đợi ông. "Cảnh sát bảo tôi nên rời khỏi đây nhưng như thế thì sẽ không có ai chăm sóc bầy động vật này cả", ông nói. Ông Matsumura từng đến khám ở đại học Tokyo hồi tháng 10. Kết quả cho thấy ông bị nhiễm ceasium khá cao nhưng ông nói rằng nguyên nhân là vì ông ăn các loại rau mà ông tìm thấy trong làng. Ông sẽ không ăn chúng nữa. Ông không lo ngại gì cho sức khỏe của bản thân vì cả bầy động vật cưng đều vẫn khỏe mạnh. Ông bảo nếu ông có đổ bệnh thì cũng phải 30 năm nữa. Nỗi lo sợ lớn nhất trong ông Matsumura là thị trấn này, nơi gia đình ông đã sống qua 5 thế hệ, sẽ bị lãng quên. Chính phủ bảo rằng phải mất đến 40 năm mới khử sạch được phóng xạ của khu vực. "Tomioka rồi sẽ trở thành thành phố ma mất thôi", ông nói. "Bọn trẻ chẳng muốn quay về đây đâu". Ông đã kiến nghị lên chính quyền, yêu cầu họ phải hành động nhưng câu trả lời ông nhận được là "đang cân nhắc". "Tôi bảo họ cân nhắc nhanh lên vì chúng tôi có thể sẽ chết trước khi họ đưa ra quyết định", ông nói. "Tôi bảo họ cho bầy động vật của tôi thức ăn, nhưng chưa ai động tĩnh gì cả. Tôi chỉ có một mình". |