Tại
huyện Phước Long và Hồng Dân (Bạc Liêu) và huyện Thanh Trị, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng)
nhìn đâu cũng thấy cảnh hoang tàn đổ nát, hàng trăm căn nhà bị đánh sập, nhiều
người bị thương phải nhập viện, có 2 người đã chết.
Tan hoang sau cơn cuồng phong
Như
thường lệ, tảng sáng ông Thái Văn Thật (ấp Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Đông) phụ vợ
dọn bàn ghế để đón khách uống cà phê sáng. Đang lui cui trước nhà thì bất ngờ
ông thấy một cuộn gió màu đem ngòm từ phía xa xoáy về hướng nhà mình.
Ông
tá hỏa khi thấy cuộn gió lướt ngang 2 chiếc xe tải chạy hướng từ Cần Thơ đổ về.
2 chiếc xe bị bứng lên khởi mặt lộ hơn 1m rồi đổ sầm xuống đường. 2 tài xế hoảng
hốt mờ cửa xe lao nhanh xuống mương ruộng thoát thân.
|
Nhà ông Thật bị sập hoàn toàn sau cơn lốc. |
Cục
xoáy đen tiếp tục hướng về phía quán cà phê của ông Thật rồi sang hướng ấp giáp
ranh là Vĩnh Phú B.
Có
mặt sau khi cơn lốc đi qua, ông Thật kể lại chuyện đã chứng kiến y như trong
phim: "Thấy 'nó' tiến đến nhà mình, tôi kịp hô lớn rồi cùng bà xã bồng con
chạy ra lộ. Bà ấy chạy trước, tôi chạy sau bị lốc cuốn văng vô vách tủ bị kính
bể làm đứt chân, sưng giò.
'Nó' đến chớp nhoáng rồi đi nơi khác nhưng nhà tôi chỉ còn cái nền đất trống, đồ
đạc trong nhà bị hất tung ra cánh đồng phía sau. Tiền công gặt lúa của người
thân gởi mấy triệu bạc cũng bị lốc cuốn đi mất tiêu, không kiếm lại được xu
nào".
Cơn
lốc vào trung tâm ấp Vĩnh Phú B và tiếp tục tàn phá nặng nề hơn. Có ít nhất 38
căn nhà bị sập, tốc mái sau cơn lốc đi qua ấp này.
Anh
Trần Văn Giản - người có nhà sập kể trong nỗi khiếp sợ: “Nghe tiếng la làng
của bà con chòm xóm, tui chạy ra trước xem thì thấy cuộn xoáy đen cuốn theo
nhiều đồ đạc của hộ dân. Hoảng quá tôi kêu vợ con chạy ra ngoài ôm gốc cây to
lánh nạn.
Hai tay tôi chỉ kịp quơ mấy nắm cỏ ống trước nhà rồi nằm sát đất cố thủ. Lốc
lướt xéo nhà tôi mang theo mọi thứ. Gió còn kéo tôi dựng ngược hai chân lên
trời. Nhờ mấy đám cỏ nếu không tôi cũng bay theo lốc luôn”.
|
Hàng loạt hộ dân ở Thạnh Trị và Phước Long màng trời
chiếu đất sau cơn lốc. |
Sau
cơn lốc, xóm nhà của anh Thật tang hoang như vừa bị ném bom, nhà sập san sát
nhau.
Đau
đớn nhất có lẽ là gia đình cụ Phạm Thị Bê (71 tuổi). Cụ biết lốc xoáy nhưng tuổi
cao không kịp chạy ra ngoài nên trốn xuống giường ngủ bị nhà sập, cột kèo đè tử
vong.
Lúc
phóng viên có mặt tại hiện trường, xác bà cụ vẫn còn trùm trên chiếc giường kê
tạm, thân nhân khóc than. Chính quyền địa phương kịp thời có mặt để hỗ trợ bước
đầu 6,5 triệu đồng giúp gia đình mua hòm, dựng rạp lo hậu sự cho bà cụ.
Bà
Nguyễn Ngọc Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Long nói: “Đây là trận lốc
kinh hoàng nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn. Lốc bất ngờ đến, bất ngờ
đi nhưng nỗi đau, thiệt hại quá lớn”.
Cùng thời điểm như ở Phước Long, lốc xoáy bất ngờ lướt nhanh qua các xã Ninh
Quới A, Ninh Hòa, Lộc Ninh, Ninh Thạnh Lợi của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) khiến
hàng chục hộ dân phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”.
Nỗ lực khắc phục…
Anh
Phạm Thế Hân (ấp Phú Tân, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) cho
biết: “Tôi chạy vào nhà không được nên nằm xuống đất. Lốc đi qua, nhà tôi chả
còn gì, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng”.
|
Trẻ con bơ vơ giữa đống hoang tàn, đổ nát. |
Còn
bà Lê Thị Bông, ấp Phú Giao, xã Thạnh
Quới, huyện Mỹ Xuyên nói trong tiếc nuối:
“Đang ăn cơm,
nghe tiếng gió mạnh tôi chạy ra ngoài thấy tôn bay sáng trời. Lốc bay tới nhà
tôi, tôi liền ôm đứa cháu nhưng vừa ra tới cửa thì nhà sập, đè 2 bà cháu bị
thương”.
Ông
Nguyễn Văn Sô - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Thạnh Trị cho biết: Huyện đã
thành lập đoàn đến thăm hỏi, động viên, huy động lực lượng giúp hộ dân thu dọn
đống đổ nát, sớm dựng lại nhà cửa. Trước mắt, UBND huyện hỗ nạn nhân bị chết 4,5
triệu, bị thương nặng 1,5 triệu, bị thương nhẹ 500 ngàn đồng, nhà sập hoàn toàn
thuộc diện nghèo 7 triệu/hộ, nhà tốc mái 3 triệu đồng/hộ.
|
Người nhà cụ Bê bật khóc, không dám tin vào mắt mình
trước sự tàn phá lốc xoáy. |
Chiều cùng ngày, bà Lê Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết:
“Kiên quyết không để dân nghèo khốn cùng do thiên tai. Ngoài thăm hỏi, động
viên, chỉ đạo lực lượng liên quan khẩn trương giúp hộ dân thu dọn nhà sập, lợp
lại nhà tốc mái.
Bước đầu, chính quyền địa phương xuất ngân sách hỗ trợ hộ có nhà sập hoàn toàn
thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách 6,5 triệu/hộ, những hộ nhà sập khác
nhận 6 triệu đồng/hộ; hộ có người bị thương 1,5 triệu đồng, hộ có người chết 5
triệu đồng”.
Hiện, chính quyền các địa phương đang tiếp tục rà soát để để có con số thiệt hại
cụ thể để có hướng hỗ trợ cho từng trường hợp. |