Ngày 1/10, Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Tây Ninh, UBND huyện Hòa Thành tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế tại khu vườn nhà ông Phạm Chứng, ấp Long Hải, xã Trường Tây. Trước đó, cơ quan chức năng đã có buổi trao đổi, thuyết phục ông Chứng ngưng tạc, tháo dỡ những tượng người chết chóc. Bước đầu, ông Chứng đã bỏ đi một số tượng hình thù kinh dị, máu me tại khu vườn. Một vấn đề nữa mà ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh lo lắng là tình hình bệnh sốt rét có khả năng bùng phát do khu vườn nhà ông Chứng cỏ dại mọc um tìm, nhiều muỗi phát sinh từ các bồn chứa nước bỏ hoang. Mới đây, Trung tâm y tế huyện Hòa Thành phối hợp Trạm y tế xã Trường Tây đã khảo sát tình hình khu vườn này để có biện pháp phòng bệnh kịp thời. Chiều cùng ngày, hay tin ông Phạm Chứng về thăm khu vườn “ma quái" cùng các ban ngành chức năng địa phương, nhiều người dân ấp Long Hải đã tìm đến để nghe ông lão 74 tuổi giãi bày về sở thích được cho là "khác người" của mình. Mái tóc bạc trắng, làn da rắn rỏi, trông ông Chứng trẻ hơn tuổi đời. Giọng điềm tĩnh, ông bảo đã lập ra khu vườn vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất là để chống trộm, vì nhà thờ họ Vũ (mẹ ông Chứng) từng 2 lần bị bẻ khóa vào lấy đồ đạc. Thứ hai là để có nơi thờ cha mẹ, ông bà và cuối cùng là vì ông "có sở thích tạc tượng người chết". “Mỗi người một sở thích. Có người thích chơi chim, cây cảnh, cờ tướng, còn tôi thì đam mê tạc tượng mặt người chết. Đó là quyền tự do cá nhân, sao lại phê phán?", chủ khu vườn nói và cho biết do mọi người không hiểu nên mới bảo ông lập dị về tín ngưỡng. Tuy nhiên, khi được cơ quan chức năng khuyên sơn trắng các bức tượng cho đỡ kinh dị, hoặc tháo xuống đập bỏ những bức tượng chết chóc, ông đã làm theo dù "trong lòng không muốn". | Ông Chứng bên ngôi mộ giả thờ mẹ. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Phong - Công an viên phụ trách ấp Long Hải cho biết công an xã đã làm việc với ông Phạm Chứng và ông này cam kết là 2 tháng sẽ phá dỡ hết những tượng đầu người máu me, bị tạt axit rùng rợn... "Trước mắt, ông Chứng phải dỡ mấy tượng kỳ quái xuống hoặc làm cách nào đừng để người dân đi ngang thấy. Về phía công an, quản lý an ninh trật tự tại địa phương, thì việc làm của ông Chứng đang gây hoang mang, ảnh hưởng tâm lý người dân, mất trật tự, mỹ quan khu dân cư", ông Phong nói. Theo Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Tây Ninh, cơ quan chức năng huyện Hoà Thành đã làm việc với ông Chứng, yêu cầu bỏ ngay những tượng có tính chất "kích động bạo lực" miêu tả cảnh đầu rơi máu chảy, tạt axit... Đề nghị này được căn cứ vào các quy định tại khoản 1, Điều 3 của Nghị định 103, Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; khoản 1, Điều 3 của Thông tư 04 của Văn hoá - Thể thao - Du lịch về "Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng". Sau khi được giải thích, ông Chứng cam kết tháo dỡ những tượng "kinh dị" trong thời hạn 2 tháng (đến đầu tháng 11). Riêng với những tượng, hình ảnh khác, nếu ông Chứng muốn được cấp phép vì cho rằng đó là những "tác phẩm nghệ thuật" thì phải được thông qua hội đồng nghệ thuật thẩm định. |