Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chính thức công bố việc thu nhận và xử lý thành công ảnh chụp từ vệ tinh viễn thám đầu tiên VNREDSat-1. "Việt Nam đã trở thành một trong 5 nước khu vực Đông Nam Á tuyên bố sở hữu vệ tinh viễn thám cùng với Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia", ông Nguyễn Xuân Lâm, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia nói và cho biết hiện chỉ trong vòng 24 giờ, Cục sẽ cung cấp ảnh đúng vị trí cần chụp. Ông Lâm cho biết, từ khi được đưa lên quỹ đạo, VNREDSat-1 đã chụp được gần 22.000 cảnh ảnh, trong đó gần 6.000 ảnh chụp lãnh thổ Việt Nam. Các ảnh viễn thám này thời gian qua được cung cấp sử dụng phục vụ cho một số dự án trong và ngoài ngành tài nguyên môi trường. Các bức ảnh viễn thám có tính năng kỹ thuật tương đương các ảnh viễn thám của các vệ tinh nhỏ trên thế giới và có khả năng thay thế một số loại ảnh viễn thám phân giải cao hiện bán trên thị trường. Ảnh do VNREDSat-1 cung cấp có độ phân giải 2,5m đối với các ảnh toàn sắc (trắng, đen) và 10m đối với các kênh ảnh đa phổ (ảnh màu). Từ các kênh đa phổ và ảnh toàn sắc có thể xử lý để cung cấp ra ảnh màu tự nhiên độ phân giải 2,5m và các phương án ảnh màu tổng hợp phục vụ giải đoán các đối tượng chuyên ngành theo yêu cầu của các chuyên gia. Vệ tinh này cũng cho phép cung cấp ảnh với chu kỳ lặp 3 ngày với độ phủ của ảnh là 17,5km x 17,5km. Theo đại diện của Cục Viễn thám, thời gian tới, dữ liệu thu nhận từ vệ tinh sẽ tiếp tục được ứng dụng trong giám sát tài nguyên môi trường, như Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2012-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn"; Dự án"Giám sát một số vùng biển đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng". Cục Viễn thám cho biết, giá của ảnh sẽ do Bộ Tài chính ban hành. Trong thời gian chờ đợi, Cục phục vụ ứng dụng ảnh cho các chương trình khoa học khác với mức giá dao động khoảng 5-6 triệu đồng mỗi cảnh ảnh. Trước đây, các đơn vị trong nước có thể tự đặt mua ảnh vệ tinh, nhưng khi có Đài Viễn thám Trung ương và Cục Viễn thám quốc gia thì Bộ Tài Chính đã giao cho Cục Viễn thám tổng hợp nhu cầu của ảnh của các bộ ngành, sau đó trừ đi phần VNREDSat-1 đáp ứng, số còn lại sẽ được nhà nước cấp tiền mua ảnh dùng chung cho các bộ, ngành. Các chuyên gia đánh giá, việc sử dụng Trạm thu ảnh viễn thám do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý kết hợp với vệ tinh nhỏ do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam quản lý sẽ tiết kiệm được đáng kể nguồn ngân sách phát triển công nghệ vũ trụ và viễn thám. |