Tại Vĩnh Phúc, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, việc dự kiến đến 15/6 sẽ xong phần tổng hợp điểm các môn thi. Hiện tại, kết quả ban đầu cho thấy tình hình làm bài của học sinh tỉnh này rất khá. Một số môn như Toán và Lịch sử học sinh đạt điểm tốt hơn. Dự kiến tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh sẽ ổn định hoặc nhích hơn năm 2011. Năm ngoái tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT và GDTX của tỉnh này lần lượt là 98,3% và 98,1%.
Tại Lào Cai, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh cho biết: Đến 15/6 công tác chấm thi mới hoàn thành. Tuy nhiên về chủ quan thì nhiều kết quả làm bài của học sinh năm nay sẽ tốt hơn vì đề bài phù hợp với sức học của các học sinh. Dự kiến tỉ lệ tốt nghiệp năm 2012 của tỉnh sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2011. Năm 2011, tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT của Lào Cai đạt 91% và 81% ở hệ GDTX.
Tại Hòa Bình, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh cho biết năm nay số bài thi đạt điểm kém sẽ ít hơn năm ngoài vì đề thi hợp với sức học của học sinh. Do đó tỉnh lạc quan với 9.194 thí sinh, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ít nhất sẽ đạt bằng năm 2011 (trên 97%). Hội đồng chấm thi tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ chấm xong trong ngày 13/6.
Tại Lạng Sơn, dù chưa tổng hợp kết quả nhưng dự kiến tỉ lệ tốt nghiệp sẽ nhích hơn so với năm 2011. Lãnh đạo Sở thông tin thêm: "Năm nay đề thi môn Lịch sử học sinh làm bài khá tốt". Năm 2011, tỉ lệ tốt nghiệp THPT hai hệ THPT và GDTX của tỉnh này lần lượt là 96,8% và 96%.
Tại các địa phương khác, công tác chấm thi tốt nghiệp đang được ráo riết thực hiện. Tỉnh Gia Lai hiện tại đã chấm xong 70% đến 80% số bài thi. Dự kiến đến ngày 16/6 hoặc 17/6 sẽ hoàn tất chấm thi. Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Ngọc Thạch cho biết: "Nói chung các bài thi của học có tốt hơn một chút nên tỉ lệ tốt nghiệp hy vọng sẽ nhỉnh hơn năm ngoái". Năm 2011, học sinh hệ THPT và GDTX tốt nghiệp với tỉ lệ lần lượt là 88,33% và 63,95%.
Tỉnh Phú Yên dự kiến sẽ hoàn thành công tác chấm thi vào hạn cuối của Bộ GD-ĐT quy định là 18/6. Tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến sẽ xong vào tối 16/6, công bố kết quả ngày 17/6. Tỉnh Bình Định đã gần hoàn thành công tác này và dự kiến xong trong ngày 15/6. Tỉnh Quảng Nam hiện tại mới chấm được 31% số bài thi. Lãnh đạo sở hi vọng sẽ hoàn thành việc chấm thi trong ngày 15/6.
Tại Hà Nam, công tác chấm thi chuẩn bị hoàn tất. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở cho biết, chưa thể đánh giá ngay kết quả thi của học sinh năm nay vì phải phân tích điểm của cả 6 môn thi. Giám đốc Nguyễn Văn Khoát cho biết: "Đề thi năm nay đã phân loại được học sinh rất tốt. Phổ điểm của chúng tôi dải đều từ 1 điểm đến 9,5 điểm đều có".
Tại Nghệ An, công tác chấm thi dự kiến xong trong ngày 15/6. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An ông Lê Văn Ngọ cho hay: "Tỉ lệ tốt nghiệp năm nay của tỉnh có thể sẽ không thay đổi hoặc nhỉnh hơn chút ít so với năm 2011". Vị lãnh đạo cũng tâm sự: "Có nhiều phản ánh liên quan đến chất lượng kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng tại Nghệ An tôi tin kết quả phản ánh đúng thực tế. Nhiều trường ngoài công lập đã cố gắng rất nhiều để nâng cao chất lượng". Năm 2011, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT và GDTX của tỉnh lần lượt là 97,83% và 91,67%.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cũng cho hay, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi với kết quả thi khá tốt ở các môn tự luận. Theo các hội đồng chấm thi, tỉ lệ tốt nghiệp chung khoảng 90% trở lên
Thói dối trá có mặt tích cực?
Một giáo viên môn Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết: “Đề năm nay ở mức trung bình, nên học sinh trung bình có thể làm được mức 6 điểm. Nói chung về cơ bản, năm nay các em làm được bài. Mức điểm phổ biến nhất rơi vào khoảng từ 5 đến 7 điểm. Cũng có vài em đạt 8, 9 và một số em chỉ 3, 4 điểm.
Câu 1 thường là học sinh làm được trọn vẹn. Ở câu 2 đề ra về thói xấu dối trá, thường thì các em được 2/3 điểm câu này. Tuy nhiên, ở các bài thi, lỗi chính tả rất nhiều, cách dùng từ còn thiếu chính xác, câu văn mang dáng dấp của ngôn ngữ sinh hoạt… Có những em lập luận “nói dối có 2 mặt”. Về mặt tiêu cực thì rõ rồi, còn mặt tích cực, các em lấy ví dụ về việc bác sĩ nói dối những bệnh nhân bị bệnh nặng, có thể giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn… Tuy nhiên, đề bài muốn nói về biểu hiện tiêu cực của dối trá, nên những lập luận này có phần xa đề, lạc đề”.
Cũng theo thông tin từ giáo viên này, quá trình chấm thi có thể kéo dài 3, 4 ngày, đến khoảng ngày 14/6 sẽ phải hoàn thành việc chấm bài.
Một giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật, Vinh, Nghệ An cho biết: “Phổ điểm môn Văn năm nay tương đối rộng, 9, 10 điểm cũng có, 1, 2 điểm cũng có; tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là từ 6 tới 8 điểm”.
Ở môn Lịch sử, một giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng cho rằng, đề thi năm nay phân hóa học sinh tốt. “Tôi nghĩ rằng học sinh trường mình năm nay sẽ có mức điểm cao hơn năm ngoái ở môn Lịch sử. Năm nay, học sinh trung bình có thể đạt 6,5 đến 7,5 điểm…"