Các gian hàng của các nhà sáng chế không chuyên được ban tổ chức Techmart 2015 hỗ trợ toàn bộ chi phí. Bên cạnh đó, còn có một hội thảo dành riêng cho các nhà sáng chế “chân đất” với chủ đề: Làm thế nào để bán được công nghệ.
|
Các nhà sáng chế không chuyên được hỗ trợ tối đa để giới thiệu sản phẩm tại Techmart. Ảnh minhh họa. |
Các thông tin nói trên được ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, đơn vị tổ chức Techmart 2015, chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN).
Theo ông Định, trong các năm trước, các nhà sáng chế không chuyên đã được hỗ trợ tham gia các kỳ Techmart nhưng với số lượng ít, chỉ từ 10-15 nhà sáng chế. Tuy nhiên, năm nay, trong tổng số 600 gian hàng của Techmart thì có tới 57 gian hàng của các nhà sáng chế nông dân.
Ông Định cũng cho biết, việc ngoài việc dành một phần lớn không gian cho các nhà sáng chế không chuyên với những sản phẩm gần gũi và hiệu quả, Techmart 2015 năm nay cũng có rất nhiều điểm đặc biệt.
Đầu tiên là việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức cũng như số lượng đơn vị tham gia. Techmart năm nay sẽ có hơn 500 doanh nghiệp tham gia trong khi chỉ có khoảng 110 viện trường nghiên cứu, ông Định cho hay.
Đây cũng là năm đầu tiên ban tổ chức thực hiện Techmart “ngược”. Theo đó, thay vì các doanh nghiệp đi tìm công nghệ, họ sẽ đưa ra các yêu cầu công nghệ, thiết bị trong doanh nghiệp mình. Các nhà khoa học sẽ là người “đi chợ” để có được các đặt hàng thực sự và thấy được thị trường cụ thể cho các sản phẩm của mình.
Ngoài ra, Techmart 2015 sẽ có một diện tích dành cho Hệ sinh thái khởi nghiệp với sự có mặt của các start-up sáng tạo trong lĩnh vực CNTT cũng như nông nghiệp. “Techmart 2015 sẽ không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn tổ chức diễn đàn giao lưu cho các nhóm khởi nghiệp”, ông Định cho hay.
60% các hợp đồng ghi nhớ tại Techmart được triển khai thực tế
Trả lời báo giới tại cuộc họp báo về số lượng các hợp đồng ký kết tại Chợ Công nghệ được triển khai trên thực tế, ông Lê Xuân Định khẳng định, có tới 60% các hợp đồng ký kết tại Techmart đã được triển khai trong thực tế.
Tuy nhiên, ông Định thừa nhận, từ biên bản ghi nhớ đến triển khai trên thực tế cần một khoảng thời gian dài và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Chẳng hạn như yếu tố KHCN đã sẵn sàng chưa, năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp và tài chính để thực hiện hợp đồng. “Nhiều hợp đồng ký kết tìm thấy công nghệ mới nhưng không dễ thuyết phục các ngân hàng cho vay vốn”, ông Định chia sẻ.
Từ đó, ông Định cho rằng, việc hỗ trợ sau techmart, vai trò và các định chế trung gian, cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp chưa đầy đủ để hỗ trợ cho việc chuyển giao này được suôn sẻ.
Lê Văn (ghi) |