Bất chấp tình hình kinh tế gặp nhiều khó
khăn do cấm vận quốc tế, chương trình khám phá vũ trụ của Iran đạt được
nhiều thành tựu đáng kể từ năm 2009. Cho tới nay, Iran đã phóng 3 vệ
tinh, vệ tinh gần nhất được phóng lên vào ngày 3/2 năm nay. Một số động
vật nhỏ như rùa, giun cũng được nước này đưa lên vũ trụ.
Sau tháng Ramadan, một con khỉ nâu sẽ
được đặt trong cap-xun sinh học để giúp nó sống sót khi lên vũ trụ.
Cap-xun này sẽ được phóng lên bằng tên lửa Kavoshgar (Khám phá)-5, nặng
gần 300kg của Iran.
Cơ quan vũ trụ Iran (ISA) hồi tháng 3 đã thông báo sẽ đưa một “động vật lớn”
lên vũ trụ, nhưng sau đó dự án bị hoãn lại để thực hiện thêm thử
nghiệm. Năm ngoái, nỗ lực đưa khỉ lên vũ trụ của ISA đã thất bại.
Một con khỉ được buộc trong mô hình cap-xun của Iran. (Nguồn: Ria Novosti)
Vào khoảng thời gian từ 23/3 - 22/9 năm
ngoái, tên lửa Kavoshgar-5 mang theo một con khỉ đã được phóng lên. Vụ
phóng này mãi tới tháng 10 mới được công bố, khi ISA thừa nhận dự án đã
thất bại. ISA tin rằng việc đưa một con khỉ sống lên vũ trụ sẽ giúp họ
hiểu thêm về các điều kiện trong vũ trụ, để từ đó mở đường cho các hành
trình đưa người lên vũ trụ trong vài năm tới.
Ngoài ra, ISA cũng thông báo họ sẽ phóng
vệ tinh thứ tư lên vũ trụ trong vài tháng tới. Vệ tinh Fajr (Bình minh)
sẽ được sử dụng vào mục đích thăm dò.
Theo kênh tin tức RT của Nga, “các
nước phương Tây bày tỏ lo ngại công nghệ phóng thiết bị lên vũ trụ sẽ
được sử dụng để phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang theo đầu đạn
hạt nhân”. Tuy nhiên, ISA hoàn toàn bác bỏ cáo buộc này, khẳng định chương trình vũ trụ của Iran không mang mục đích quân sự.
Ở mức độ nào đó, chương trình vũ trụ của
Iran đang tạo ra một cuộc chạy đua vũ trụ lần thứ hai. Trong Chiến
tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô là hai cường quốc vũ trụ không có đối thủ. Khi
quan hệ của Iran với các nước phương Tây ngày càng xấu đi thì những
thành tựu khoa học của nước này chắc chắn sẽ khiến các nhà lãnh đạo quân
sự phương Tây phải lo lắng.
Iran vẫn còn xa mới có thể vũ trang hóa
công nghệ vũ trụ, nhưng việc phóng một vệ tinh quân sự ít nhất cũng cho
thấy nước này có khả năng do thám. Giờ đây, phương Tây đang dùng cấm vận
kinh tế nhằm mục đích kìm hãm sự phát triển KHCN của Iran.