Sơ đồ hành tinh trong hệ Mặt Trời. Từ trái sang: sao Thủy, sao Kim, Trái
Đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, Thiên Vương tinh, Hải Vương tinh.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết, ngày 12/5
tới, bốn hành tinh trong hệ Mặt Trời sẽ “xích lại” gần nhau, vào lúc
hoàng hôn (ở Mỹ là bình minh). Đó là sao Kim, sao Mộc, sao Hỏa và sao
Thủy. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này hoàn toàn có thể quan sát bằng
mắt thường.
Vào thời điểm đó, sao Kim và sao Mộc di
chuyển gần nhau, khá thấp ở phía đông và tỏa sáng. Sao Kim là ngôi sao
sáng thứ hai, sau Mặt Trăng. Sao Mộc nằm bên trái sao Kim. Sao Thủy nằm
bên dưới sao Kim, cách sao Kim một khoảng bằng khoảng cách giữa sao Kim
và sao Mộc. Còn sao Hỏa nằm bên trái sao Mộc một khoảng gấp đôi khoảng
cách trên. Có thể nhìn thấy sao Hỏa rõ hơn bằng ống nhòm.
Trước khi bốn hành tinh này “xích lại”
gần nhau, những người yêu thiên văn của Việt Nam đã được thưởng thức
“mưa sao băng” rạng sáng ngày 6/5.
Bản đồ dự kiến vị trí các hành tinh ngày 12/5. Ảnh: Spacedaily
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Câu lạc bộ Thiên văn trẻ Việt Nam,
hành tinh (planet) là các thiên thể dưới cấp sao, có khối lượng nhiều
lần nhỏ hơn các sao. Khối lượng của chúng không đủ để tạo ra các phản
ứng tổng hợp hạt nhân giúp chúng phát sáng được như các ngôi sao nên
hành tinh là các thiên thể tối. Chúng chuyển động quanh ngôi sao theo
các qũy đạo hình elip với chu kì xác định.
Hệ Mặt Trời được biết đến với 8 hành
tinh tính từ trong (gần Mặt Trời nhất) ra gồm: Sao Thuỷ (Mercury), Sao
Kim (Venus), Trái Đất (Earth), Sao Hoả (Mars), Sao Mộc (Jupiter), Sao
Thổ (Saturn), Sao Thiên Vương (Uranus) và Sao Hải Vương (Neptune).