Chùa Đức Hạnh ở thôn Phước Sơn, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh
Bình Phước. Chùa hình thành từ năm 1969 do đồng bào từ miền Trung vào
sinh sống, lập nghiệp và gầy dựng lên.
Từ tháng 4.2008, chùa trùng tu chánh điện, cổng tam quan, hàng rào,
sân chùa... tạo nơi quy ngưỡng của những người con Phật. Nếu chánh điện
làm bê tong cốt thép, rui mè bằng gỗ dầu, lợp ngói vẩy cá lớn, vách
ngoài xây bằng đá hoa cương trắng, lót nền gạch giả gỗ hương. Các pho
tượng, bệ thờ, lư hương, chuông mõ, bàn, ghế... bằng gỗ gõ, gỗ
mít...Chánh điện diện tích 200m2, nhưng không có cột.
Nhưng cổng tam quan, đài Quan Thế Âm của chùa chính là điểm tạo nên
ấn tượng sâu sắc trong lòng của các Phật tử, người hành hương, khách
tham quan... Cổng được kết cấu bằng 8 thanh đá khối được ráp vào nhau
bằng mộng (như gỗ), cao 5m, rộng 10m. 8 thanh đá này là loại đá khối tự
nhiên (đá Iolite nguyên thủy).
Ở thanh đá nằm ngang trên cùng, mặt trước khắc dòng chữ "Giáo hội
Phật giáo Việt Nam", mặt sau "Phật lịch 2552". Dài 3m, rộng 0,60m, nặng
gần 4 tấn. Thanh đá nằm ngang thứ 2, mặt trước khắc dòng chữ "Chùa Đức
Hạnh", mặt sau "Phước Huệ song tự". Dài 5m, rộng 0,60m, nặng gần 8 tấn. 2
thanh đá trụ. Mỗi thanh cao 4,7m, rộng 0,80m, nặng trên 7 tấn.
Hai cổng phụ, mỗi cổng cao 2,3m, rộng lọt lòng 1,7m, gồm 4 thanh đá
trụ, mỗi thanh cao 2,3m, rộng 0,70m, nặng trên 5 tấn. Các thanh đá trụ
khắc câu đối ở 2 mặt (ngoài và trong).
Với đài Quan Thế Âm, pho tượng bằng đá trắng Đà Nẵng, cao 3,2m, nặng
gần 4 tấn đặt trên bệ trụ là 1 thanh đá (giống loại đá làm cổng Tam
quan), cao 3m (chôn dưới lòng đất 1,7m), đường kính 80cm, nặng gần 3
tấn. Bệ thờ là 1 khối đá cao 80cm, đường kính 1m, nặng trên 2 tấn. Trên
thân bệ khắc bánh xe Chuyển pháp luân.
Công trình thực hiện từ ý tưởng của Đại đức Thích Minh Hậu trụ trì và
do nhóm điêu khắc đá Đặng Hồng Phong (3 người) thực hiện từ năm 2008
đến tháng 3.2011. Các thanh đá nguyên khối này đều do ông Nguyễn Minh
Hòa (chủ một hầm đá, cách chùa 2km) cúng dường. |