Nhưng bạn sẽ tổ chức và điều khiển tất cả mọi thứ trên màn
hình khổng lồ này như thế nào? Đó là vấn đề mà News Digital Systems
(NDS), một hãng chế tạo công nghệ truyền hình trả phí của Mỹ, cho rằng
các nhà đài có thể đặt ra trong thập niên tiếp theo khi ti vi bao hết
tường trở thành hiện thực.
Theo trang tin New Scientist, ý
tưởng mới nhất của hãng có tên gọi Surfaces, ra đời dựa trên dự đoán
thế hệ ti vi màn hình phẳng OLED sẽ giảm giá đáng kể trong 10 năm tới.
Màn hình OLED có lợi thế vượt trội so với LCD: không cần ánh sáng chiếu
bên nên diện tích hiển thị hình ảnh có thể ra đến mép màn hình, có nghĩa
là chúng có thể đặt cạnh nhau để tạo một màn hình liên tục. Những chiếc
ti vi OLED 1,4m của LG và Samsung sẽ có mặt trên thị trường cuối năm
nay với giá ban đầu khoảng 8.000 bảng Anh, nhưng sẽ nhanh chóng xuống
mức 3.000 bảng trong vòng 2 năm. Và sau 5 - 10 năm nữa, sẽ có các mẫu
giá 1.000 bảng hoặc thấp hơn.
Sử dụng 6 tấm OLED, NDS đã xây dựng một
mẫu thử màn hình 3,6 x 1,4m, hiển thị các hoa văn bức tường sau nó khi
không hoạt động. Một máy chủ video sẽ đẩy nội dung phân giải cao lên màn
hình dưới sự điều khiển của một trình duyệt thông thường trên điện
thoại hoặc máy tính của người sử dụng, đồng thời cho phép người sử dụng
chọn bất kỳ nơi nào trên màn hình để hiển thị video, trang web, mạng xã
hội hoặc Skype. Một số ti vi ngày nay có thể được điều khiển bằng một
ứng dụng bổ sung cho thiết bị điều khiển từ xa.
Trọng tâm của trải nghiệm chính là độ
nhúng chìm mà người xem muốn có. Cả gia đình xem phim có thể chọn độ
nhúng chìm sâu và cho bộ phim chiếm hầu hết diện tích màn hình với một
dòng bình luận mạng xã hội bên dưới. Với độ nhúng chìm nông, tin tức có
thể hiển thị ở giữa với các cuộc gọi Skype hay mạng xã hội và nội dung
trang web điểm xuyết xung quanh. Các kênh âm thanh qua kết nối không dây
sẽ phục vụ mỗi người sử dụng.
Ngoài NDS, Viện Công nghệ Massachusetts
(MIT) của Mỹ cũng đang phát triển một hệ thống tương tự có tên
Infinity-by-Nine với tỷ lệ màn hình chuẩn 16:9.