Mua rẻ bán đắtNhững gian chợ điện tử online có độ uy tín cao như: Nhattao.com, xomnhiepanh.com, ebay.com luôn không thiếu những sản phẩm còn tốt, có thể tái sử dụng như: Máy ảnh, điện thoại, ti vi, máy tính, đồ gia dụng... Tuy nhiên, để có thể sở hữu được một sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo” không phải chuyện dễ. Trên các chợ điện tử các thiết bị máy ảnh được rao bán đa phần đều đã bị “bung” để chỉnh lại thông số, điện thoại thì hầu như đều đã thay vỏ hoặc màn hình, còn máy tính do có thể tháo rời các bộ phận nên rất khó nhận biết “ruột” máy tình trạng tốt, xấu ra sao. Tuy ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng theo anh Nguyễn Tất Định - phóng viên ảnh tự do, sở thích mua bán hàng điện tử “second hand” lại xuất phát chính từ những rủi ro mà sản phẩm đó đem lại: “Sản phẩm đầu tiên tôi mua trên chợ điện tử cũ là một chiếc máy ảnh Nikon D80 và một ống kính 18 - 55m f4.5 – 5.6 giá 14,2 triệu đồng. Máy có hình thức bên ngoài còn đẹp, chất lượng hình ảnh tốt; số seri (serial number) ghi ngoài vỏ hộp, trên giấy bảo hành và cạnh dưới của máy đều trùng nhau. Tuy nhiên, khi tôi đem máy về cho một người bạn kiểm tra, bộ máy ảnh đó chỉ được ấn định có giá từ 8 đến 9 triệu đồng do bên trong quá cũ và đã bị “bung” để sửa chữa linh kiện bên trong”. “Từ thất bại này, tôi đã nghĩ ra cách quay vòng những đồ điện tử cũ trên chợ để kiếm thêm thu nhập. Để có thể làm được điều này quan trọng là cần có một chút vốn và phải biết cách ép giá người bán thông qua việc phát hiện lỗi sản phẩm và tìm được đối tượng mua phù hợp. Tuy nhiên, công sức bỏ ra để sở hữu một sản phẩm ưng ý và bán được giá phụ thuộc nhiều vào sản phẩm, thời điểm mua và cả tâm lí người bán”, anh Định chia sẻ. Cảnh giác khi muaBất kì sản phẩm điện tử cũ nào cũng ẩn chưa nhiều rủi ro, người bán luôn tìm mọi cách để che mắt người mua hàng nhằm bán được hàng thu được nhiều lợi nhuận. Theo anh Phạm Văn Phong, một người có thâm niên mua hàng điện tử second hand, để mua được một sản phẩm tốt, khách hàng nên chú ý lựa chọn những diễn đàn có uy tín, trao đổi với những người có kinh nghiệm, kiến thức về sản phẩm muốn mua trước khi mua. Bên cạnh đó, khi xem xét, càng quan sát kĩ các tiểu tiết trên máy, người mua càng dễ nhận định chất lượng của sản phẩm. Giả sử đối với máy ảnh, người mua nên chú ý kiểm tra kĩ các ốc vít. Ốc cho dấu hiệu bị “cháy” ren (bị toét) hay gỉ sét thì có thể dừng cuộc kiểm tra bởi máy đã bị “bung” để sửa chữa trước khi bán. Ngoài ra, người mua máy ảnh cũ nên mở tất cả các nắp đậy pin, nắp thẻ nhớ, nắp che dây nguồn video out và nguồn sync máy tính xem chúng có vấn đề gì không. Máy gỉ sét chứng tỏ chiếc máy đã quá cũ và trải qua quá trình “dãi nắng dầm mưa”. Bụi máy cũng là yếu tố tố cáo một sản phẩm kém chất lượng. Khi gặp hai trường hợp này, người mua có thể cân nhắc kĩ lưỡng việc mua hoặc có thể lấy lí do này để ép giá người bán”. “Còn đối với ống kính, khách hàng nên giơ ống kính lên ngược chiều ánh sáng hoặc mang theo đèn pin nhỏ để kiểm tra bên trong. Nếu nhìn thấy những hạt lấp lánh nhỏ thì có thể là bụi và cát đã lọt vào, đám sương mù là hơi nước đọng lại, tia vằn vện là “rễ tre”, còn đốm bông chính là nấm mốc. Khi bắt gặp một trong các yếu tố trên khách hàng đều có thể ép giá những thiết bị điện tử đang được giao bán”. Với các thiết bị máy tính xách tay (laptop), để mua được máy cũ tốt thì: “Người mua phải kiểm tra xem màn hình có dấu vết của việc thay màn hay chưa. Đồng thời, khách hàng nên để ý xem bản lề của màn hình, xem có dấu tích như tróc, nứt, gãy hay cong vênh hay không; tiếp tục kiểm tra các ốc vít lấp dưới những chân đế cao su trên mép màn hình có hiện tượng đã mở ra rồi hay chưa. Sở dĩ phải kiểm tra kĩ màn hình là vì laptop dùng được khoảng 2 đến 3 năm rất dễ mắc lỗi màn hình như bị gạch sọc ngang khiến cho hình ảnh bị nháy liên tục”, anh Lê Hữu Phong, nhân viên sửa chữa máy tính tại Bách Khoa chia sẻ. |